Quan điểm của Jamie Dimon về chính sách của Trump và sự chấn hưng nước Mỹ

(ĐTCK) Trích lược bài phỏng vấn Jamie Dimon, Giám đốc điều hành Ngân hàng JP Morgan Chase trên Bloomberg Businessweek.

Có suy đoán rằng ông sẽ bước chân vào bộ máy chính quyền mới trong vai trò Bộ trưởng Tài chính?

Tôi không nghĩ mình phù hợp với vị trí này. Tôi yêu thích công việc hiện tại của mình và không sẵn sàng để làm một việc nào khác. Tôi cho rằng mình có thể tạo ra những giá trị riêng cho nước Mỹ với công việc mà tôi đang làm.

Hồi tháng 9 vừa qua, ông đã cho rằng sẽ khó có người nào ở phố Wall có thể bước chân vào bộ máy chính quyền mới. Giờ đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ra nhiều nhân vật từ phố Wall. Ông có nghĩ rằng điều đó sẽ mang lại sự khác biệt?

Rõ ràng, tôi đã hoàn toàn sai lầm với suy đoán ban đầu. Chính sự đã có nhiều biến động. Đảng Cộng hòa đang nắm quyền, và họ đã không phản đối những người đến từ các doanh nghiệp theo cách mà Đảng Dân chủ đã thực hiện trong nhiều năm.

Khi đã làm Tổng thống, bạn nên chọn những người giỏi nhất làm cố vấn. Nếu công chúng Mỹ vẫn được rao giảng rằng việc bạn làm cho một công ty dầu mỏ hay một ngân hàng sẽ làm xấu đi hình ảnh của mình, thì đó là một sai lầm lớn.

Quan điểm của Jamie Dimon về chính sách của Trump và sự chấn hưng nước Mỹ ảnh 1

Ông Jamie Dimon 

Tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong số họ là những người có năng lực và muốn cống hiến cho đất nước. Chúng tôi sẽ không cố gắng để làm lợi cho công ty cũ của mình. Ban cố vấn mới là những người có hiểu biết sâu sắc và mong là sẽ làm được nhiều việc lớn.

Tôi nghĩ rằng đã đến lúc thiết lập lại quan điểm về các doanh nghiệp. Ở Mỹ hiện có 145 triệu người lao động. Trong số đó, 125 triệu người đang làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân, và 20 triệu người còn lại làm việc cho chính phủ - bao gồm lính cứu hỏa, công nhân vệ sinh môi trường, cảnh sát, giáo viên…

Chúng ta rất trân trọng những người làm việc cho nhà nước. Tuy nhiên, bạn biết đấy, nếu không có 125 triệu người kia, thì ta không thể trả tiền cho 20 triệu người này được. Doanh nghiệp là yếu tố tích cực trong xã hội. Nhưng trong nhiều năm qua, nó đã bị đánh giá thấp như thể chỉ biết trục lợi. Vì vậy, tôi cho rằng sự thiết lập mới này là cần thiết.

Thành phố Detroit là một ví dụ hoàn hảo cho một xã hội dân sự phi lợi nhuận, nơi mà chính phủ và các doanh nghiệp cùng kết hợp với nhau để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Mỹ. Nếu những gì ở Detroit được nhân rộng, đất nước sẽ có một sự chấn hưng lớn.

Ông sắp trở thành Chủ tịch của Hội nghị bàn tròn kinh doanh - Business Roundtable (BRT), một nhóm cố vấn cho tổng thống đắc cử về các chính sách kinh doanh?

Đúng vậy, tôi sẽ làm cố vấn cho Tổng thống, bất kể người đó là ai. Tôi là một người yêu nước. Tôi luôn mong muốn được đóng góp ý kiến của mình. Tôi đã từng làm cố vấn cho Tổng thống Obama, và sẽ tiếp tục với Tổng thống đắc cử Trump. Tôi nghe nói rằng ông Trump muốn được nghe ý kiến về vấn đề việc làm và phát triển kinh tế. Vì vậy, vấn đề này sẽ được làm rõ.

Hội nghị BRT bao gồm 192 công ty, trong đó có nhiều công ty nằm trong danh sách Fortune 500 hoặc S&P 500, đại diện cho một nửa các hoạt động luân chuyển vốn ở Hoa Kỳ. Đó là một số tiền lớn đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng BRT có thể có được một cách tiếp cận trực tiếp với các vấn đề quốc gia và góp phần đưa ra giải pháp. Đó là lý do tôi quyết định đảm nhận vị trí thử thách này.

Tôi sẽ làm cố vấn cho Tổng thống, bất kể người đó là ai. Tôi là một người yêu nước. Tôi luôn mong muốn được đóng góp ý kiến của mình. Tôi đã từng làm cố vấn cho Tổng thống Obama, và sẽ tiếp tục với Tổng thống đắc cử Trump. 

 - Jamie Dimon, Giám đốc điều hành Ngân hàng JP Morgan Chase

Chúng tôi đang nhấn mạnh rằng cải cách thuế doanh nghiệp là việc làm cần thiết. Các doanh nghiệp đang chuyển vốn ra nước ngoài mỗi ngày. Và bạn biết đấy, tôi nghĩ chính phủ đã sai lầm khi coi đây là vấn đề. Vấn đề thực sự là mức thuế của chúng ta cao hơn nhiều so với nhiều nơi trên thế giới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mới chuyển tiền ra nước ngoài. Họ tái đầu tư, mua lại các công ty ở nước ngoài, và một vài doanh nghiệp trong số đó sẽ không trở lại Mỹ.

Do đó, tôi nghĩ câu hỏi duy nhất phải đặt ra là chúng ta sẽ thiệt hại bao nhiêu trước khi thay đổi mức thuế. Mọi nghiên cứu đều chỉ ra rằng, việc giảm thuế doanh nghiệp sẽ giúp đỡ những người lương thấp và cải thiện mức lương nói chung. Tôi hy vọng bộ máy chính quyền mới có thể thực hiện được điều đó.

Về vấn đề giáo dục và nhập cư, ông có những sáng kiến mũi nhọn như thế nào?

Tôi cho rằng, một trong những nỗi hổ thẹn lớn nhất ở đất nước này là thực tế rằng, tại rất nhiều trường học trong thành phố, có tới 50% thanh thiếu niên không tốt nghiệp trung học, và thậm chí những đứa trẻ này không được chuẩn bị để làm bất cứ một công việc gì. Đó là một tội lỗi, là lúc nước Mỹ ở trong tình trạng tồi tệ nhất.

Chúng ta đã cho phép điều đó xảy ra, và những đứa trẻ kia không có được cơ hội mà chúng ta từng có khi ở độ tuổi của chúng. Chúng ta phải sửa chữa việc này.

Nếu bạn đến nước Đức chẳng hạn, 2/3 số trẻ em ở độ tuổi 15, 16 đang đi học nghề. Những trường dạy nghề này làm việc với các doanh nghiệp địa phương, do đó các em sẽ nhận được chứng chỉ nghề phù hợp với công việc sau này.

Ở New York hiện tại cũng có một trường là Trường Trung học Hàng không (Aviation High School). Học sinh ở đây đến từ mọi nơi trong thành phố. Chúng được đào tạo về các lĩnh vực như máy bay, điện tử, thủy lực, hệ thống điện. Khi tốt nghiệp, tất cả các học sinh sẽ nhận được một việc làm với mức lương 60.000 USD/năm.

Chúng ta hoàn toàn có thể nhân rộng mô hình này với các lĩnh vực như chế tạo robot, lập trình, kế toán, chăm sóc sức khỏe… Đó là điều chúng ta nên làm. Nó không đồng nghĩa với việc học sinh ở các trường này không thể vào đại học, mà là chúng đang được đào tạo để làm một công việc cụ thể.

Về vấn đề nhập cư, đã có dự luật cải cách nhập cư, cho phép những người có học vấn, bằng cấp cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học có cơ hội ở lại nước Mỹ.

Tôi nghĩ chúng ta nên để họ ở lại Mỹ xây dựng sự nghiệp và gia đình, sau đó dần trở thành công dân chính thức. Và điều đó cũng không hề đơn giản. Sẽ mất tới 15 năm để chứng minh rằng bạn là một người nhập cư tuân thủ pháp luật, nộp thuế đầy đủ thì mới được ghi nhận trở thành một công dân Mỹ.

Thành phố Detroit là một ví dụ hoàn hảo cho một xã hội dân sự phi lợi nhuận, nơi mà chính phủ và các doanh nghiệp cùng kết hợp với nhau để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Mỹ. Nếu những gì ở Detroit được nhân rộng, nước Mỹ sẽ có một sự chấn hưng lớn.

Và hãy chờ xem, chúng ta sẽ không trục xuất 11 triệu người nhập cư ra khỏi biên giới. Tổng thống đắc cử Trump sẽ khác với ứng viên tranh cử Trump. Giờ đây, ông Trump đã nói rằng nếu bạn vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ trục xuất bạn. Mà trong 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ, ước tính chỉ có khoảng 800.000 người vi phạm pháp luật. Đó là chính sách hiện tại của Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đã từng trục xuất 2,8 triệu người vi phạm. Hội nghị BRT hỗ trợ những người nhập cư với lập luận ủng hộ việc làm chuyên môn hóa.

Thực tế là, đa số mọi người khi nói rằng muốn tống khứ những người nhập cư, thì thực tế đều không phải là họ không thích người nhập cư, mà đó là họ sợ rằng cách sống của người Mỹ đang thay đổi.

Bạn có thể đa sắc tộc, nhưng bạn vẫn ủng hộ “cách sống Mỹ”. Đây là quốc gia có một không hai trên hành tinh này. Nó có một tầm nhìn, một giá trị riêng chứ không phải chỉ là một bộ lạc. Tôi nghĩ rằng thật tốt khi có nhiều người muốn chắc chắn rằng điều đó sẽ không thay đổi.

Ông sẽ không đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính, nhưng vẫn sẽ được tham gia vào ban cố vấn cho chính phủ. Và khi nhìn lại di sản của mình ở Detroit, ông muốn được nhớ đến bởi điều gì?

Có rất nhiều thứ để làm. Cũng như việc mà các thị trưởng đang làm ở đây, chúng tôi phải có hệ thống tốt, công nghệ tốt, văn hóa tốt, con người tốt. Tôi đã làm mọi thứ tốt nhất có thể ở mọi quốc gia. Vì thế, điều tôi muốn là khiến mọi người phải nói rằng: “Chúng ta sẽ nhớ gã đó. Thế giới đã tốt đẹp hơn nhờ có ông ta. Ông ta đã khiến cho nơi này trở nên thịnh vượng hơn.”

Tôi rất tự hào về công ty của mình. Các bạn cần một JP Morgan Chase để hỗ trợ đắc lực cho sức sống mạnh mẽ của xã hội Mỹ trong tương lai.

Đến lúc phải rời công ty thì ông định sẽ làm gì?

JP Morgan Chase là tất cả cuộc sống của tôi. Khi tôi mặc chiếc áo này, với dòng chữ “Không chỉ là công ty của tôi”, tôi thực sự có ý như vậy. Tôi luôn muốn làm cho nơi này trở nên tốt đẹp hơn. Và khi tôi rời đi, có thể tôi sẽ giảng dạy một chút, hoặc viết một cuốn sách.

Tôi cũng có thể sẽ tới New York, tham gia hoặc bắt đầu một dự án kinh doanh như những gì chúng tôi đã có ở Detroit. Việc đó sẽ tiếp nhiên liệu cho tôi. Tôi sẽ làm nhiều việc khác nhau nhưng sẽ không điều hành một công ty lớn nào khác nữa.

Và nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục gọi mời ông hết lần này đến lần khác, trong bối cảnh nền kinh tế đang bấp bênh, thì liệu ông có nhận lời không?

Tôi sẽ chẳng bao giờ nhận lời, nghe theo hay băn khoăn về những lời đề nghị, dù là từ Tổng thống của nước Mỹ. Xin nhắc lại một lần nữa, tôi nghĩ mình không phù hợp với vị trí đó.

Còn bây giờ, nếu bạn bằng cách nào đó thuyết phục được tôi rằng tôi là người duy nhất có thể làm gì đó, thì tôi sẽ suy nghĩ về điều đó bằng trách nhiệm của một công dân yêu nước. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng chuyện đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra.

Nhưng nếu có thì ông sẽ sẵn sàng nhận lời chứ?

Tôi sẽ nhận lời.

Tin bài liên quan