Thương vụ này đánh dấu một thời kỳ mới đối với Proton, hãng xe nội địa từng là niềm tự hào của Malaysia, giúp hãng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các thị trường giàu tiềm năng bên ngoài lãnh thổ Malaysia, cụ thể là thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc.
Với Geely, việc thâu tóm Proton sẽ giúp tập đoàn này thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á đang sôi động. Geely muốn Proton trở thành trung tâm sản xuất các mẫu xe tay lái nghịch sử dụng nền tảng công nghệ chính hãng. Mục tiêu ban đầu của Geely là nâng cao lượng tiêu thụ của Proton tại Malaysia và ASEAN lên 500.000 chiếc/năm sau 8-10 năm.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội trao đổi kinh nghiệm, nhân sự với các trung tâm kỹ thuật toàn cầu của nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc này.
"Henry Ford" của Trung Quốc
Theo thỏa thuận, bên cạnh 49,9% cổ phần của Proton, Geely còn nhận chuyển nhượng 51% cổ phần của thương hiệu xe thể thao sang trọng Lotus của Proton, đồng nghĩa với việc Geely sẽ nắm cổ phần chi phối của hãng sản xuất xe thể thao nổi tiếng của Anh trước đây.
Thương hiệu Lotus có thể hoàn thành tham vọng của Li Shufu trong việc tạo ra một danh mục thương hiệu xe quốc tế ở các mức giá khác nhau. Đối với Geely, Lotus sẽ là một sự bổ sung có uy tín, “giống như Volkswagen có Porsche và Toyota có Lexus”, theo Tian Yongqiu, một nhà tư vấn độc lập, chuyên theo dõi các vụ mua lại nhà máy ở Trung Quốc.
Ông trùm xe hơi Trung Quốc Li Shufu
Ngoài thành công khi dẫn dắt thương hiệu ô tô nội địa Geely tại Trung Quốc, Li Shufu còn được biết đến với vai trò “giải cứu” Volvo và đưa thương hiệu này trở lại đầy mạnh mẽ bằng hàng loạt mẫu xe mới, đề cao tính an toàn và sự trang trọng. Tài năng của ông được những nhân vật cấp cao của những hãng xe lớn trên thế giới nể trọng.
Li Shufu sinh ra trong một gia đình nông dân tại ngoại ô Hàng Châu, Trung Quốc. Thời gian đầu, Li từng mở tiệm chụp ảnh, rồi mua bán đồ kim hoàn trong một thời gian ngắn. Sau đó, năm 23 tuổi, chàng trai trẻ chuyển sang đầu tư vào dây chuyền sản xuất thủ công tủ lạnh và các phụ tùng thay thế. Vay của bố 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 300 USD) cùng với chút ít vốn tích góp được trước đó, Li bắt đầu thành lập Geely (trong tiếng Hoa có nghĩa là “chúc may mắn”).
Năm 1992, Geely chuyển sang nhập mô tô của Nhật Bản, Mỹ cho thị trường Trung Quốc. Đến năm 1994, Li bắt đầu tự sản xuất mô tô. Năm 1996, Li đưa ra thị trường mỗi năm trên 200.000 chiếc mô tô và xe gắn máy, đồng thời bắt đầu xuất khẩu mô tô đến 22 nước, trong đó có Mỹ, Đức, Ý. Chỉ sau một thời gian ngắn, doanh số của Geely đứng hàng thứ 4 trong số các doanh nghiệp tư nhân về mô tô của Trung Quốc.
Bước nhảy vọt của Li là dấn thân vào ngành sản xuất ô tô năm 1997. Li cho hay, khi đó, ông đã nhận thấy Trung Quốc “đang bước vào một giai đoạn lịch sử” của tăng trưởng kinh tế và những cơ hội cho phép nhu cầu của các phương tiện giao thông giá bình dân tăng vọt.
Sau khởi đầu chậm chạp, Geely đã có thể cạnh tranh với các liên doanh giữa Trung Quốc và các công ty phương Tây. Theo giới quan sát, số nhà sản xuất xe của Trung Quốc có được khả năng như Geely là rất hiếm. Geely thường chiếm những gian hàng lớn nhất tại các triển lãm ôtô - xe máy của Trung Quốc, trưng bày cả các mẫu xe đang bán, cũng như xe mô hình.
Từ năm 2004, Geely đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, đến năm 2005 niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Năm 2007, hãng xe của Li xuất xưởng gần 210.000 chiếc ô tô, doanh thu đạt 1,5 tỷ USD/năm, bằng 1/2 doanh số của hãng Mazda lúc đó.
“Xe hơi của chúng tôi sẽ có mặt ở khắp nơi, giống như bật lửa Trung Quốc vậy”, Li Shufu tuyên bố hồi năm 2010.
Cũng trong năm 2010, Li đã thực hiện được một mục tiêu mà ông đã đặt ra từ lâu: Hoàn tất thỏa thuận mua thương hiệu Volvo từ hãng Ford với giá 1,5 tỷ USD. Khi đó, do kẹt tiền, Ford đã phải bán đi nhiều thương hiệu cao cấp ở thị trường châu Âu, trong đó có Volvo. Và cơ hội đã đến với tỷ phú Li và ông đã không bỏ lỡ. Việc có được Volvo đã mở ra cho Geely cánh cửa bước vào thị trường quốc tế với độ tin cậy cao.
Trong năm tài chính 2016, Geely đạt doanh số 1,3 triệu xe bán ra. Trong khi đó, tỷ phú Li Shufu cũng nắm giữ khối tài sản khoảng 7 tỷ USD. Không có gì ngạc nhiên khi Li được mệnh danh là “Henry Ford của Trung Quốc”.