Thị trường chứng khoán Mỹ bước vào phiên giao dịch thứ Năm (3/4) có thêm thông tin kinh tế được công bố. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ bất ngờ gia tăng trong tháng 2, lên tới 42,3 tỷ USD do xuất khẩu đạt mức thấp nhất 5 tháng, cho thấy tăng trưởng quý đầu tiên của Mỹ yếu hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.
Trong khi đó, thị trường cũng đón nhận thông tin tích cực từ lĩnh vực dịch vụ khi tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này tăng tốc trong tháng 3, sau khi bị hãm lại trong tháng 2 do thời tiết khắc nghiệt.
Tưởng chừng chứng khoán Mỹ sẽ có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp khi các chỉ số Dow Jones và S&P500 đã thiết lập mốc cao lịch sử mới trong phiên là 16.604,15 và 1.893,80 trước khi hạ nhiệt và quay đầu giảm điểm khi nhà đầu tư thận trọng trước các dữ liệu kinh tế mới, cũng như chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào hôm nay (ngày 4/4).
Bảng lương phi nông nghiệp là một chỉ báo quan trọng cho biết nền kinh tế Mỹ có bị ảnh hưởng bởi mùa Đông khắc nghiệt hay không. Theo dự báo, số lượng việc làm tạo thêm trong bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 là 200.000 việc làm.
Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Dow Jones giảm 0,45 điểm (-0,00%), đứng ở mức 16.572,55 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,13 điểm (-0,11%), xuống 1.888,77 điểm. Nasdaq giảm 38,72 điểm (-0,91%), xuống 4.237,44 điểm.
Trong cuộc họp ngày hôm qua (3/4), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã không có động thái nào liên quan đến việc giảm lãi suất như kỳ vọng của giới đầu tư, nhưng nó đúng với dự báo của giới phân tích và chuyên gia trong cuộc thăm dò đầu tuần này. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, dù không nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng ECB sắn sàng có các biện pháp can thiệp để kích lạm phát nếu khu vực đồng euro rơi vào tình trạng giảm phát.
Chính phát biểu này của ông Draghi đã giúp giới đầu tư châu Âu yêu lòng và chứng khoán châu Âu tiếp tục nối dài đà tăng trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 3/4, chỉ số FTSE tại Anh giảm 9,9 điểm (-0,15%), xuống 6.649,14 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 5,46 điểm (+0,06%), lên 9.628,82 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 18,47 điểm (+0,42%), lên 4.449,33 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh khi đồng yên giảm giá so với đồng USD, có lúc xuống mức 104 yên đổi một USD. Việc đồng yên giảm giá đã hỗ trợ cho nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản, qua đó tác động tích cực trở lại thị trường chứng khoán. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đã hạ nhiệt, trong khi chức khoán Trung Quốc điều chỉnh sau chuỗi ngày tăng giá ấn tượng với kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ nước này.
Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 125,56 điểm (+0,84%), lên 15.071,88 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 41,14 điểm (+0,18%), lên 22.565,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 15,29 điểm (-0,74%), xuống 2.043,70 điểm.
Việc ECB không giảm lãi suất như kỳ vọng khiến đồng euro giảm mạnh so với đồng USD và tác động trở lại giá vàng. Đầu phiên, giá kim loại quý lình xình quanh mức đóng cửa của phiên trước đó, nhưng khi đồng USD tăng mạnh, giá vàng đã giảm trở lại, tuy nhiên, mức giảm không mạnh.
Kết thúc phiên 3/4, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 3,1 USD (-0,24%), xuống 1.286,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 6,1 USD (-0,47%), xuống 1.284,4 USD/ounce.
Giá dầu Brent tăng trở lại từ mức thấp nhất 5 tháng khi nghi ngờ về một thỏa thuận giữa quân nổi dậy và Chính phủ Lybia trong việc đưa cảng xuất khẩu dầu đi vào hoạt động bình thường. Hiện cảng biển quan trọng này đang bị phe nổi dậy chiếm giữ, trong khi Chính phủ Lybia dùng các biện pháp để ngăn chặn xuất khẩu dầu của phe nổi dậy, vì vậy, nguồn cung dầu trên thị trường thế giới bị ảnh hưởng, bởi Lybia là nước xuất khẩu dầu lớn.
Kết thúc phiên 3/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,67 USD (+0,67%), lên 100,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,36 (+1,28%), lên 106,15 USD/thùng.