Niềm vui tiếp tục đến với phố Wall trong phiên thứ Ba (Ảnh minh họa: AFP)

Niềm vui tiếp tục đến với phố Wall trong phiên thứ Ba (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall khởi sắc, giá dầu đang leo dốc bị "mất phanh"

(ĐTCK) Trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày, chứng khoán Mỹ có phiên khởi sắc thứ 2 liên tiếp, trong khi đó đang leo dốc, giá dầu bất ngờ mất phanh và đổ đèo.

Sau kỳ nghỉ 3 ngày (ngày thứ Hai nghỉ lễ Ngày Tổng thống), phố Wall trở lại với sắc xanh đậm tiếp tục được duy trì ngay từ đầu phiên với tất cả 10 chỉ số thành phần của S&P đều tăng điểm.

Phố Wall tăng điểm mạnh trong phiên thứ Ba bất chấp giá dầu thô đảo chiều được giới phân tích lý giải là do thị trường đã rơi vào tình trạng quá bán trước đó, nên kích hoạt hoạt động mua lại.

Kết thúc phiên 16/2, chỉ số Dow Jones tăng 222,57 điểm (+1,39%), lên 16.196,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,80 điểm (+1,65%), lên 1.895,58 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 98,44 điểm (+2,27%), lên 4.435,96 điểm.

Trong khi phố Wall duy trì đà tăng mạnh bất chấp giá dầu thô đảo chiều, thì chứng khoán châu Âu lại không có được may mắn đó. Sau 2 phiên tăng điểm ấn tượng, chứng khoán châu Âu tiếp tục mở cửa trong sắc xanh trong phiên thứ Ba, tuy nhiên, việc giá dầu thô đảo chiều đã khiến chứng khoán châu Âu bị rung lắc mạnh. Trong đó, chứng khoán Đức và Pháp đóng cửa trong sắc đỏ, còn đà tăng trên thị trường chứng khoán London cũng bị hãm bớt.

Kết thúc phiên 16/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 37,89 điểm (+0,65%), lên 5.862,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 71,73 điểm (-0,78%), xuống 9.135,11 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 4,59 điểm (-0,11%), xuống 4.110,66 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên tăng điểm ấn tượng đầu tuần, chứng khoán Nhật Bản chịu chút rung lắc trong phiên thứ Ba, nhưng vẫn duy trì được sắc xanh dù đà tăng rất khiêm tốn.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng dù trì được đà tăng khá tốt của mình trong phiên thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô tăng vọt trong phiên châu Á sau thỏa thuận giữa Nga và Ả Rập Xê út. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc cũng có phiên hồi phục ấn tượng với mức tăng hơn 3%.

Kết thúc phiên 16/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 31,85 điểm (+0,2%), lên 16.054,43  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 203,94 điểm (+1,08%), lên 19.122,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 90,37 điểm (+3,29%), lên 2.836,57 điểm.  

Sau nỗ lực phục hồi trong cuối phiên châu Á và đầu phiên châu Âu khi chứng khoán rung lắc do giá dầu đảo chiều, giá vàng đã quay đầu giảm trở lại trong phiên Mỹ khi phố Wall khởi sắc.

Bên cạnh đó, áp lực bán chốt lời sau tuần tăng ấn tượng trước đó cũng gây sức ép lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong tuần mới và là phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 16/2, giá vàng giao ngay giảm 8,5 USD (-0,7%), xuống 1.200,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 0,3 USD (-0,02%), xuống 1.208,2 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, ngay sau thông tin Nga và Ả Rập Xê út đạt được thỏa thuận giữ nguyên sản lượng như trong tháng Giêng - thỏa thuận đầu tiên sau 15 năm giữa 1 thành viên của OPEC với 1 thành viên ngoài OPEC, giá dầu thô đã tăng vọt. Trong đó, giá dầu thô Mỹ có lúc tăng hơn 7%, lên mức cao nhất ngày là 31,53 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent cũng tăng tới 6,5%, vượt qua mốc 35 USD/thùng, lên mức cao nhất ngày là 35,55 USD/thùng.

Tuy nhiên, sau khi trấn tĩnh lại, nhà đầu tư cho rằng, thỏa thuận này không như kỳ vọng là cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, thỏa thuận này có giữ được hay không còn phụ thuộc vào Iran, nước vừa tham gia thị trường xuất khẩu dầu mỏ sau thời gian dài bị cấm vận. Iran là một thành viên lớn của OPEC và cũng là một nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới.

Ngay khi trở lại với thị trường xuất khẩu dầu mỏ, Iran đã chào bán cho các khách hàng châu Âu mức giá thấp hơn giá của Ả Rập Xê út khá lớn nhằm giành lại thị phần. Quốc gia này cũng lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu sang châu Âu và sắp tới là châu Á để bù đắp khoảng thời gian dài bị cấm vận. Do đó, rất khó để thuyết phục Iran giữ hoặc cắt giảm sản lượng.

Một thông tin khác, theo giới phân tích, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng thêm 750.000 thùng.

Chính những lo ngại trên, nên giá dầu thô đã nhanh chóng đảo chiều quay đầu giảm trở lại. Trong đó, giá dầu thô Mỹ mất gần 1,4%, trong khi giá dầu thô Brent giảm gần 4%. Nếu so với mức đỉnh trong ngày, giá dầu thô Mỹ lúc đóng cửa phiên thứ Ba giảm tới 8,57%, còn giá dầu thô Brent giảm tới 10,47%.

Kết thúc phiên 16/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,4 USD (-1,36%), xuống 29,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,21 USD (-3,62%), xuống 32,18 USD/thùng.

Tin bài liên quan