Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall hồi phục, vàng lao dốc

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh và triển vọng khả quan của một số doanh nghiệp niêm yết công bố trong ngày, cũng như doanh số bán nhà tích cực giúp phố Wall hồi phục, tuy nhiên, vàng lại có phiên giảm mạnh khi các lệnh chờ bán được kích hoạt.

Hiện đang là thời gian trống thông tin vĩ mô đối với các thị trường, nên các thông tin về kết quả kinh doanh sẽ có tác động mạnh tới phố Wall. Hơn 1 tuần trước, trong số doanh nghiệp của S&P 500 công bố kết quả kinh doanh, có tới hơn 80% doanh nghiệp có lợi nhuận vượt kỳ vọng, nhưng hiện con số này đã giảm chỉ còn 71,9%, chỉ trên mức trung bình 4 quý 70% chút ít và con số này có thể giảm tiếp khi các doanh nghiệp công bố hết báo cáo kết kết quả kinh donah. Mùa thu nhập năm nay được dự báo sẽ sụt giảm so với quý trước do đồng USD mạnh và mùa Đông khắc nghiệt của Mỹ.

Tuy nhiên, trong phiên thứ Tư, phố Wall hồi phục trở lại nhờ các thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh khả quan và triển vọng của một số doanh nghiệp. Visa, MasteCard tăng mạnh sau khi có thông tin Trung Quốc sẽ mở cửa cho các công ty nước ngoài thanh toán bù trừ giao dịch thẻ ngân hàng. McDonald cũng tăng mạnh khi hãng đồ ăn nhanh này cho biết đã thực hiện kế hoạch để gia tăng doanh thu bán hàng.

Ngoài ra, thị trường cũng đón nhận thông tin tích cực từ doanh số bán nhà. Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán nhà trong tháng 3 tăng với tốc độ mạnh nhất trong 1 năm rưỡi.

Phiên thứ Năm, thị trường cũng được dự báo có nhiều biến động khi Amazon.com, Google, Microsoft công bố kết quả kinh doanh.

Kết thúc phiên 22/4, chỉ số Dow Jones tăng 88,68 điểm (+0,49%), lên 18.038,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,67 điểm (+0,51%), lên 2.107,96 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 21,07 điểm (+0,42%), lên 5.035,17 điểm.

Giống như phiên thứ Ba, diễn biến trái chiều tiếp tục diễn ra giữa phố Wall và chứng khoán châu Âu và nguyên nhân chính vẫn đến từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Sau khi tăng trong phiên thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp công bố trong ngày, trong phiên thứ Tư, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp, nhất là ngành hàng xa xỉ thất vọng đã kéo chứng khoán châu Âu đảo chiều. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn chịu ảnh hưởng khi tăng trưởng GDP của Đức trong quý I/2015 đã chậm lại sau khi tăng mạnh 0,7% trong quý IV/2014. Bộ Tài chính Đức hôm thứ Tư cũng nâng dự báo tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất châu Âu năm nay và năm sau lên 1,8% nhờ chi tiêu tiêu dùng gia tăng.

Kết thúc phiên 22/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 34,69 điểm (-0,49%), xuống 7.028,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 72,21 điểm (-0,60%), xuống 11.867,37 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 18,45 điểm (+0,36%), lên 5.211,09 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các mức cao mới liên tục được xác lập từng ngày. Trong phiên thứ Tư, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh hơn 1%, lên mức cao nhất 15 năm, vượt qua mốc 20.000 điểm khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhóm cổ phiếu lớn. Tương tự, chứng khoán Trung Quốc cũng tăng mạnh lên mức cao 7 năm khi giới đầu tư được kích thích bởi một bình luận trên truyển hình nhà nước rằng, đà tăng trưởng của thị trường “mới chỉ bắt đầu”.

Kết thúc phiên 22/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 224,81 điểm (+1,13%), lên 20.133,9 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 83,36 điểm (+0,30%), lên 27.933,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 104,87 điểm (+2,44%), lên 4.398,49 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường vàng, chỉ sau phiên hồi nhẹ hôm thứ Ba, giá vàng đã lao mạnh trong phiên thứ Tư, đóng cửa ở mức thấp nhất 3 tuần. Dữ liệu doanh số ban nhà của Mỹ tích cực, giúp đồng USD tăng trở lại gây sức ép lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này lại rời xuống dưới ngưỡng 1.200 USD/ounce trong đầu phiên Mỹ và qua đó kích hoạt luôn một loạt lệnh chặn bán, đẩy giá vàng lao sâu hơn và kết thúc ở mức thấp nhất 3 tuần.

Vàng trong thời gian qua chưa thể xác định rõ xu hướng, khi liên tục đảo chiều quanh ngưỡng 1.200 USD/ounce do nhà đầu tư vẫn đang hướng sự chú ý vào động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kết thúc phiên 22/4, giá vàng giao ngay giảm 15 USD (-1,25%), xuống 1.186,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 16,2 USD/ounce (-1,35%), xuống 1.186,9 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, giá dầu Brent tăng trở lại khi liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu lại không kích vào Yemen chỉ 1 ngày sau khi Riyadh cho biết, họ đã kết thúc chiến dịch quân sự chống lại phiến quân nổi dậy Iran-Houthi tại Yemen. Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ lại giảm nhẹ khi các kho dự trữ của Mỹ lại tăng lên, với mức tăng 5,9 triệu thùng trong tuần trước, so với mức dự báo 2,9 triệu thùng của giới phân tích, lên mức kỷ lục 489 triệu thùng, bất chấp sự sụt giảm trong sản xuất.

Kết thúc phiên 22/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,45 USD/thùng (-0,80%), xuống 56,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,65 USD (+1,04%), lên 62,73 USD/thùng.

Tin bài liên quan