Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall đảo chiều, vàng có phiên giảm thứ 4 liên tiếp

(ĐTCK) Thông tin tích cực từ ECB và kỳ vọng vào báo cáo việc làm giúp phố Wall đảo chiều tăng trở lại sau 2 phiên giảm, trong khi đồng USD tăng cao khiến vàng có phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong tuần.

Theo dữ liệu vừa công bố, 3,2 triệu việc làm được tạo ra trong vòng 12 tháng qua của nền kinh tế Mỹ, trung bình mỗi tháng 267.000 việc làm. Các nhà kinh tế mong đợi 250.000 việc làm mới hoặc hơn được tạo ra trong tháng 2 trong bản báo cáo phát hành vào sáng thứ Sáu này (theo giờ Mỹ). Tốc độ tạo việc làm hiện nay tương đương với tốc độ của những năm cuối thập niên 1990, khi nền kinh tế đang bùng nổ.

Tuy nhiên, hiện không phải là thời điểm bùng nổ của kinh tế Mỹ, số việc làm tạo mới tăng nhiều chủ yếu là những công việc lương thấp hơn so với số lao động đã mất việc, số khác từ lâu không được tăng lương. Trong khi đó, giá dầu giảm khiến cho nhiều lao động trong ngành năng lượng, vốn có lương cao bị mất việc.

Tuy nhiên, dù gì con số việc làm vừa được công bố cũng giúp giới đầu tư lấy lại sự tự tin và giúp phố Wall đảo chiều tăng trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp. Ngoài ra, thông tin tích cực từ Ngân hàng châu Âu (ECB) cũng giúp phố Wall lấy lại sắc xanh.

Một thông tin khác cũng ảnh hưởng tích cực lên phố Wall là tất cả 31 ngân hàng đã vượt qua bài kiểm tra của Fed là làm cách nào các ngân hàng vượt qua cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Kết thúc phiên 5/3, chỉ số Dow Jones tăng 38,82 điểm (+0,21%), lên 18.135,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,51 điểm (+0,12%), lên 2.101,04 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 15,67 điểm (+0,32%), lên 4.982,81 điểm.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách hôm qua (5/3), Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, ECB sẽ bắt đầu thực hiện chương trình mua trái phiếu trị giá 1,1 tỷ USD của mình bắt đầu vào thứ Hai tuần tới (9/3) và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 9/2016. Đồng thời, ông cũng đưa ra dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro trong năm 2015 là 1,5% và năm 2016 là 1,9%.

Sau tuyên bố của Draghi, chứng khoán châu Âu tiếp tục đồng loạt tăng mạnh trong phiên thứ Năm.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh tích cực của các công ty vừa công bố cũng góp phần đẩy chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất nhiều năm trong phiên này. Theo dữ liệu của Thomson Reuters, khoảng 80% trong số 600 doanh nghiệp của Stoxx Europe công bố kết quả kinh doanh cho tới nay, mức tăng trưởng lợi nhuận theo quý là 22%, mức cao nhất kể từ giữa năm 2011.

Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán châu Âu bị hãm bớt phần nào do sự sụt giảm của các cổ phiếu trong ngành khai mỏ khi Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong 15 năm, trong khi đây là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp khai mỏ châu Âu.

Kết thúc phiên 5/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 41,9 điểm (+0,61%), lên 6.961,14 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 113,63 điểm (+1,00%), lên 11.504,01 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 46,16 điểm (+0,94%), lên 4.963,51 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi nhẹ trở lại bất chấp sự sụt giảm của phố Wall trong phiên trước đó. Chứng khoán Nhật tăng nhờ giới đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế trong nước. Dù vậy, thanh khoản đứng ở mức thấp do nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách của ECB.

Trong khi đó, với việc Trung Quốc giảm mục tiêu tăng trưởng trong năm nay xuống 7%, mức mục tiêu thấp nhất 15 năm khiến chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục giảm mạnh. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần.

Kết thúc phiên 5/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 48,24 điểm (+0,26%), lên 18.751,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 272,34 điểm (-1,11%), xuống 24.193,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 31,06  điểm (-0,95%), xuống 3.248,48 điểm.

Sau quyết định của ECB, đồng euro đã lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1,1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 9/2003.

Trên thị trường vàng, với tín hiệu tích cực khi khởi đầu phiên trên thị trường châu Á, tưởng chừng đà giảm liên tiếp của giá vàng sẽ bị chặn lại ở con số 3. Tuy nhiên, sau đó, giá kim loạiquý này đã quay đầu giảm trở lại khi đồng USD mạnh lên với kỳ vọng về thị trường lao động khả quan của Mỹ. Đây vẫn chính là yếu tố “bên ngoài” ảnh hưởng mạnh nhất tới giá vàng trong giai đoạn hiện nay. Với việc đồng USD giao dịch ở mức cao nhất 11,5 năm, giá vàng đã có phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong tuần.

Kết thúc phiên 5/3, giá vàng giao ngay giảm 2,3 USD (-0,19%), xuống 1.198,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 4,7 USD/ounce (-0,39%), xuống 1.196,2 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu gần như đã chạm đáy và hiện đang lình xình đi ngang quanh các mức 50 và 60 USD/thùng. Dù nhận các thông tin không tích cực, như kho dự trữ của Mỹ tăng mạnh, nhưng giá dầu vẫn không sụt giảm mạnh như giai đoạn trước.

Kết thúc phiên 5/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,77 USD/thùng (-1,52%), xuống 50,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,07 USD (-0,12%), xuống 60,48 USD/thùng.

Tin bài liên quan