Phố Wall có phiên đảo chiều ngoạn mục (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall có phiên đảo chiều ngoạn mục (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall đảo chiều cuối phiên, giá vàng hạ nhiệt nhanh

(ĐTCK) Nhận thông tin kinh tế tích cực cuối phiên giúp phố Wall đảo chiều đóng cửa trong sắc xanh, ngược chiều với chứng khoán Á, Âu. Trong khi đó, giá vàng không thể duy trì được đà tăng, giá dầu thô vẫn chịu áp lực từ cả nguồn cung và cầu.

Chứng khoán Mỹ chủ yếu dao động dưới tham chiếu trong phiên thứ Tư khi chỉ số PMI toàn cầu được công bố không mấy khả quan. Tuy nhiên, phố Wall đã đảo chiều vào những phút cuối phiên và chốt phiên với sắc xanh nhạt khi chỉ số PMI của Mỹ có tháng tăng thứ 3 liên tiếp trong tháng 5.

Báo cáo của Fed công bố hôm thứ Tư cho thấy, lạm phát của Mỹ đang tăng nhẹ ở hầu hết các bang từ giữa tháng 4, thị trường lao động cũng chặt chẽ hơn và lương cũng tăng nhẹ. Báo cáo này càng củng cố thêm khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng này hoặc tháng tới.

Kết thúc phiên 1/6, chỉ số Dow Jones tăng 2,47 điểm (+0,01%), lên 17.789,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,37 điểm (+0,11%), lên 2.099,23 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,20 điểm (+0,08%), lên 4.952,25 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm khi giữ liệu vừa công bố cho thấy sản xuất của khu vực vẫn không có gì cải thiện

Kết thúc phiên 1/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 38,86 điểm (-0,62%), xuống 6.191,93 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 58,30 điểm (-0,57%), xuống 10.204,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 30,23 điểm (-0,67%), xuống 4.475,39 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp bằng phiên giảm mạnh do áp lực chốt lời và đồng yên mạnh trở lại, làm lo ngại ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng trong phiên thứ Tư do giới đầu tư lo lắng về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc. Lo lắng này cũng khiến chứng khoán Trung Quốc đảo chiều giảm trở lại sau phiên hưng phấn trước đó với thông tin chứng khoán nước này có thể được vào rổ chỉ số MSCI.

Theo dữ liệu Markit Economics vừa công bố, chỉ số PMI tháng 5 của Trung Quốc đứng ở mức 50,1, tuy nhiên theo chỉ số PMI của The Caixin, chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 5 giảm xuống mức 49,2 so với mức 49,4 trong tháng 4.

Kết thúc phiên 1/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 279,25 điểm (-1,62%), xuống 16.955,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 54,11 điểm (-0,26%), xuống 20.760,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 3,11 điểm (-0,11%), xuống 2.913,51 điểm.

Trong phiên giao dịch thứ Tư, vàng tiếp tục nỗ lực duy trì đà phục hồi khi dữ liệu về sản xuất toàn cầu trong tháng 5 không khả quan, nhưng về cuối phiên, giá vàng đã đảo chiều khi dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố tích cực

Kết thúc phiên 1/6, giá vàng giao ngay giảm 2,3 USD (-0,19%), xuống 1.212,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,9 USD (-0,24%), xuống 1.211,9 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục gặp áp lực trong phiên thứ Tư khi sản lượng tại Trung Đông tăng lên và rất khó có một thỏa thuận về đóng băng sản lượng. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết, mức trần sản lượng không có lợi cho nước này. Ngoài sản lượng tăng, giá dầu còn chịu áp lực khi kinh tế Trung Quốc đang yếu đi, trong khi đây là thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất nhì thế giới.

Kết thúc phiên 1/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,09 USD (-0,18%), xuống 49,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,02 USD (+0,04%), lên 49,71 USD/thùng.

Tin bài liên quan