Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall có phiên tăng kỷ lục, giá vàng, dầu đồng loạt mạnh

(ĐTCK) Sau phiên tăng hụt hôm thứ Ba, phố Wall đã trở lại mạnh mẽ với phiên tăng điểm mạnh nhất trong 4 năm khi khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 đã ít đi. Trong khi đó, sự hấp dẫn trở lại của thị trường chứng khoán khiến vàng giảm giá ngày thứ 3 liên tiếp, còn dàu thô nhanh chóng đảo chiều sau phiên hồi phục nhẹ.

Sau phiên tăng hụt trước đó, phố Wall bước vào phiên thứ Tư với tâm lý hồ hởi hơn của nhà đầu tư sau phát biểu của Chủ tịch Fed New York, William Dudley. Ông Dudley cho biết, thời điểm này không thích hợp để Fed tăng lãi suất khi sự hỗn loạn của thị trường toàn cầu sẽ đe dọa tới nền kinh tế Mỹ.

Sau phát biểu này, phố Wall đã chính thức có phiên hồi phục mạnh mẽ trong ngày thứ Tư sau 6 ngày giảm liên tiếp trước đo do ảnh hưởng từ Trung Quốc. Kết thúc phiên thứ Tư, 3 chỉ số chính của chứng khoán mỸ tăng trên dưới 4%, mức tăng mạnh nhất trong 4 năm.

Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Dow Jones tăng 619,07 điểm (+3,95%), lên 16.285,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 72,9 điểm (+3,90%), lên 1.940,51 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 191,05 điểm (+4,24%), lên 4.697,54 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đã nhanh chóng giảm trở lại sau phiên hồi phục mạnh mẽ trong phiên thứ Ba. Thị trường chứng khoán châu Âu bước vào phiên thứ Tư lại xuất hiện những thông tin không tích cực. Ngoài nỗi lo về kinh tế Trung Quốc, thị trường khu vực còn ảnh hưởng bởi thông tin thương vụ M&A bất thành giữa Syngenta và Monsanto. Cổ phiếu Syngenta giảm tới 18,2% sau khi lãnh đạo doanh nghiệp nông nghiệp lớn của mỹ là Monsanto từ bỏ cố gắng để mua lại Syngenta.

Ngoài ra, một quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, việc giá cả luôn sụt giảm khiến cho mục tiêu lạm phát của ECB khó đạt được và cơ quan này đã chuẩn bị các biện pháp để phản ứng nếu cần thiết. Điều này cho thấy, kinh tế khu vực đồng euro vẫn đang đối mặt với nguy cơ giảm phát dù ECB đã rất nỗ lực tung ra một số gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 26/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 102,14 điểm (-1,68%), xuống 5.979,2 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 130,69 điểm (-1,29%), xuống 9.997,43 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 63,81 điểm (-1,40%), xuống 4.501,05 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, hành động nới lỏng chính sách tiền tệ (cắt giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại) của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) dường như không còn phát huy tác dụng với thị trường chứng khoán như trước, nhất là thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015. Sau quyết định trên của PBOC, chứng khoán Trung Quốc chỉ hồi trong phiên, nhưng cuối phiên đã quay đầu giảm trở lại và đóng cửa phiên thứ Tư với mức giảm gần 1,3%, đánh dấu phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp. Kể từ mức đỉnh hồi giữa tháng 6, chỉ số Shanghai Composite đã mất tới hơn 43%, trở lại với điểm xuất phát từ cuối năm ngoái.

Sự sụt giảm của chứng khoán đại lục đã ảnh hưởng tới chứng khoán Hồng Kông khi chỉ số Hang Seng giảm trở lại chỉ sau phiên hồi phục. Trong khi đó, sự tiêu cực của chứng khoán Trung Quốc cũng không còn tác động tới chứng khoán khu vực. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục 3,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ 31/10/2014 và chấm dứt chuỗi 6 ngày giảm liên tiếp, trong khi chứng khoán Hàn Quốc cũng có phiên tăng mạnh nhất 2 năm, chứng khoán Việt Nam cũng tiếp tục có phiên hồi phục hơn 3% trong ngày thứ Tư.

Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 570,13 điểm (+3,2%), lên 18.376,83  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 324,57 điểm (-1,52%), xuống 21.080,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 37,68 điểm (-1,27%), xuống 2.927,29 điểm.

Trên thị trường vàng, việc không tận dụng được sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán để bứt phá đã khiến giá vàng phải trả giá khi chứng khoán hồi phục. Trong 2 phiên vừa qua, gí vàng đều giảm mạnh hơn 1,3% khi chứng khoán lần lượt hồi phục mạnh trở lại, hút nhà đầu tư trở lại với kênh đầu tư nhiều rủi ro và cũng nhiều lợi nhuận này. Ngoài ra, giá vàng giảm trở lại một phần cũng do đồng USD hồi phục, bất chấp khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 đã ít đi.

Kết thúc phiên 26/8, giá vàng giao ngay giảm 15,0 USD (-1,32%), xuống 1.125,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 13,7 USD (-1,20%), xuống 1.124,6 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, sau khi hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba do dữ liệu kinh tế Mỹ khả qua, cũng như tác động từ việc PBOC nới lỏng chính sách tiền tệ, giá dầu thô thế giới đã nhanh chóng trở lại xu hướng giảm trong phiên thứ Tư.

Giá dầu giảm trở lại khi thông tin hỗ trợ kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước được bù đắp bởi thông tin kho sản phẩm như xăng, sản phẩm chưng cất, bao gồm cả diesel tăng hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 26/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,71 USD/thùng (-1,84%), xuống 38,6 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,07 USD (-0,16%), xuống 43,14 USD/thùng.

Tin bài liên quan