Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall có phiên đầy biến động, giá vàng giảm mạnh

(ĐTCK) Phần lớn thời gian giao dịch, các chỉ số chính của phố Wall tăng mạnh gần 3%, nhưng chỉ trong ít phút trước khi đóng cửa, các chỉ số đồng loạt quay đầu đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, giá vàng có phiên giảm thứ 2 liên tiếp khi lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay.

Cũng giống thị trường chứng khoán châu Âu, chứng khoán Mỹ mở cửa phiên thứ Ba hồi phục rất mạnh khi các dữ liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ được công bố.

Cụ thể, dữ liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy, niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng. Doanh số bán nhà mới của Mỹ cũng tăng trở lại 5% trong tháng 7.

Các chỉ số chính của phố Wall duy trì sắc xanh đậm với mức tăng gần 3% trong gần như suốt phiên giao dịch. Tuy nhiên, chỉ ít phút cuối phiên, cả 3 chỉ số chính đều bất ngờ quay đầu và đóng cửa trong sắc đỏ khi giới đầu tư lo lắng về sức khỏe của Trung Quốc và khả năng Fed tăng lãi suất.

Trong ngày thứ Ba, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lần giảm lãi suất thứ 2 trong vòng 2 tháng, xuống 4,6%, đồng thời quyết định bơm thêm 150 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống. Điều này khiến giới đầu tư lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự kiến và nó sẽ ảnh hưởng khiến kinh tế toàn cầu sẽ gặp khó khăn trong việc hồi phục.

Trong khi đó, các dữ liệu kinh tế khả quan vừa công bố tăng thêm bằng chứng về sức mạnh tiềm ẩn trong nền kinh tế lớn nhất thế giới và nó có thể cho phép Fed tăng lãi suất trong năm nay.

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số Dow Jones giảm 204,91 điểm (-1,29%), xuống 15.666,44 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,6 điểm (-1,35%), xuống 1.867,61 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 19,76 điểm (-0,44%), xuống 4.506,49 điểm.

Trong khi đó, quyết định cắt giảm lãi suất của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này lại có tác động tích cực với thị trường chứng khoán châu Âu. Việc kinh tế Trung Quốc lấy lại đà tăng trưởng mạnh, đồng nghĩa với việc hàng hóa của châu Âu sẽ được tiêu thụ tốt hơn, bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới của các doanh nghiệp châu Âu sau Mỹ.

Do đó, ngay sau thông tin trên, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt hồi phục mạnh, lấy lại những gì đã mất trong “ngày thứ Hai đen tối” trước đó.

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 182,47 điểm (+3,09%), lên 6.081,34 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 479,69 điểm (+4,97%), lên 10.128,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 181,4 điểm (+4,14%), lên 4.564,86 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù rất nỗ lực trong phiên sáng, nhưng chứng khoán Nhật Bản vẫn không thể tránh khỏi phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ 10/2 khi nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc đang ám ảnh các nhà đầu tư.

Trong khi đó, bất chấp chính sách nới lỏng tiền tệ liên tiếp được đưa ra để thúc đẩy nền kinh tế của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm tới hơn 7,6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014, sau khi đã mất hơn 8% trong ngày đầu tuần. Tuy nhiên, chứng khoán Hồng Kông lại bất ngờ có phiên hồi phục trở lại, chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp, nhờ hiệu ứng tích cực từ sự hồi phục của một số thị trường trong khu vực, bất chấp thị trường chứng khoán đại lục vẫn lao dốc.

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 733,98 điểm (-3,96%), xuống 17.806,7 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 153,39 điểm (+0,72%), lên 21.404,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 244,94 điểm (-7,63%), xuống 2.964,97 điểm.

Vàng có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong ngày giao dịch thứ Ba khi dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố khả quan, làm tăng thêm khả năng Fed tăng lãi suất trong năm nay.

Kết thúc phiên 25/8, giá vàng giao ngay giảm 14,5 USD (-1,26%), xuống 1.140,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 16,1 USD (-1,40%), xuống 1.138,3 USD/ounce.

Trong khi đó, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm lãi suất và dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ vừa công bố giúp giá dầu thô hồi phục, bất chấp đồng USD tăng trở lại trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 25/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,07 USD/thùng (+2,72%), lên 39,31 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,52 USD (+1,20%), lên 43,21 USD/thùng.

Tin bài liên quan