Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall có 5 phiên khởi đầu năm tồi tệ nhất lịch sử

(ĐTCK) Ảnh hưởng của những biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và giá dầu thô lao dốc mạnh, phố Wall đã có 5 phiên khởi đầu năm tồi tệ nhất trong lịch sử.

Phố Wall mở cửa phiên cuối tuần trong sắc xanh nhờ dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp khả quan và tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức ổn định. Tuy nhiên, rất nhanh chóng đà giảm đã quay trở lại do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lương khi giá dầu tiếp tục giảm mạnh. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thể lấy lại sự cân bằng sau những biến động do ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới phố Wall trong phiên giao dịch cuối tuần.

Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tiếp tục tăng mạnh 8,1%, lên 27,01 hôm thứ Sáu, mức cao nhất kể từ 28/9/2015.

Kết thúc phiên 8/1, chỉ số Dow Jones giảm 167,55 điểm (-1,02%), xuống 16.346,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 21,06 điểm (-1,08%), xuống 1.922,03 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 45,79 điểm (-0,98%), xuống 4.643,63 điểm.

Phiên giảm điểm cuối tuần đã khiến phố Wall có 5 phiên giao dịch đầu năm tồi tệ nhất trong lịch sử với Dow Jones giảm 6,19%, chỉ số S&P 500 giảm 5,96% và chỉ số Nasdaq giảm 7,26%.

Cũng giống chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm trong phiên cuối tuần khi tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc và giá dầu giảm mạnh.

Kết thúc phiên 8/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 41,64 điểm (-0,70%), xuống 5.912,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 130,51 điểm (-1,31%), xuống 9.849,34 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 69,82 điểm (-1,59%), xuống 4.333,76 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 5,28%, chỉ số DAX giảm 8,32% và chỉ só CAC 40 giảm 6,54%. Đây là tuần giảm tồi tệ nhất của chứng khoán châu Âu kể từ tháng 8/2011 khi thị trường mất gần 10% do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro.

Trên thị trường châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc hồi phục trở lại sau khi các nhà quản lý thị trường nước này quyết định tạm dừng cơ chế ngắt giao dịch, giúp chứng khoán Hồng Kông hồi nhẹ theo trong phiên cuối tuần, thì chứng khoán Nhật Bản lại không thể đảo chiều thành công.

Kết thúc phiên 8/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 69,38 điểm (-0,39%), xuống 17.697,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 120,37 điểm (+0,59%), lên 20.453,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 61,41 điểm (+1,97%), lên 3.186,41 điểm.

Với 5 phiên giảm điểm liên tiếp trong tuần đầu tiên của năm mới 2016, Nikkei 225 giảm 7,02%, mức giảm mạnh nhất trong phiên đầu năm mới kể từ năm 1949. Trong khi đó, dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng chỉ số Hang Seng vẫn mất 6,67% và chứng khoán Trung Quốc dĩ nhiên giảm mạnh nhất 9,97% khi 2 phiên hồi phục trong tuần không thể bù đắp được những mất mát của 2 phiên sập sàn.

Sau 4 phiên tăng giá liên tiếp, giá vàng đã điều chỉnh trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần khi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ khả quan. Tuy nhiên, giá kim loại quý vẫn giữ được mốc 1.100 USD/ounce và vẫn có tuần khởi đầu năm mới như mơ.

Việc giá vàng tăng mạnh trong tuần khởi đầu năm mới là nhờ hoảng loạn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán bắt nguồn từ thị trường Trung Quốc.

Kết thúc phiên 8/1, giá vàng giao ngay giảm 4,6 USD (-0,42%), xuống 1.104,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 3,7 USD (-0,33%), xuống 1.104,1 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 4,11% và giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 4,14%.

Theo cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, trong 464 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến, có 304 người, chiếm 66% người dự đoán giá vàng sẽ duy trì đà tăng trong tuần tới; 117 người, chiếm 25% có đánh giá tiêu cực về giá vàng tuần tới và 43 người, tương đương 9% là giữ quan điểm trung tính.

Còn trong số 34 chuyên gia thị trường được liên hệ, có 18 người trả lời, trong đó có 10 chuyên gia, chiếm 56% đánh giá tích cực về giá vàng trong tuần mới, 4 chuyên gia, chiếm 22% có cái nhìn kém lạc quan về giá vàng, 4 người giữ quan điểm trung lập.

Cũng giống chứng khoán, dầu thô cũng có tuần giao dịch tồi tệ đầu năm mới khi giảm liên tiếp 5 phiên và xuống mức thấp nhất 12 năm. Theo dự báo, giá dầu thô còn có thể xuống mức 20 USD/thùng và hiện nhiều lệnh chặn bán đã được cài ở mức 25 USD/thùng và nếu giá dầu thô về mức này, việc lao xuống mức 20 USD/thùng là không phải không thể.

Kết thúc phiên 8/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,11 USD/thùng (-0,33%), xuống 33,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,20 USD (-0,59%), xuống 33,55 USD/thùng.

Với 5 phiên giảm trong tuần, giá dầu thô đã có tuần đầu tiên của năm mới tồi tệ nhất lịch sử khi giá dầu thô Mỹ giảm 10,48% và giá dầu thô Brent giảm 10,01%.

Tin bài liên quan