Tom Gebhardt, Chủ tịch kiêm CEO Panasonic khu vực Bắc Mỹ

Tom Gebhardt, Chủ tịch kiêm CEO Panasonic khu vực Bắc Mỹ

Panasonic đặt cược 1,6 tỷ USD vào công nghệ xe điện

(ĐTCK) Trong xu hướng chung của nhiều công ty công nghệ hiện nay, Panasonic cũng đang “đặt cược” vào lĩnh vực ô tô để phục vụ thị trường đầy tiềm năng này trong thập kỷ tới. Theo giới quan sát, giờ là lúc mà cả các công ty không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô cũng cố gắng giành giật thị phần và ngày càng có nhiều liên minh được thành lập hơn.

Google đang hợp tác với Fiat Chrysler để chế tạo xe tự lái, đồng thời thực hiện xây dựng hệ thống hiển thị cho các thế hệ xe đời mới của Volvo.

Những start-up mới về phần mềm như Otonomo đang bán các dịch vụ của mình cho các công ty lớn như Daimler, còn BMW hợp tác với những công ty như Intel trong mảng thu thập dữ liệu…

Giữa cuộc chơi sôi động này, Panasonic cũng chỉ là một trong nhiều người chơi muốn hợp tác với ngành công nghiệp ô tô để tập trung vào các phương tiện của tương lai.

“Thời gian gần đây, chúng tôi đang dần chuyển từ kinh doanh tiêu dùng hoàn toàn sang kinh doanh thương mại điện tử (B2B - Business to Business)”, Tom Gebhardt, Chủ tịch kiêm CEO của Panasonic khu vực Bắc Mỹ cho biết.

Giải thích cho sự chuyển dịch này, Gebhardt nói tiếp: “Có một số lý do cho việc này: thứ nhất, các sản phẩm tiêu dùng đã trở nên thông dụng hơn; thứ hai, một số mô hình chi phí không còn nhiều thuận lợi… Những điều đó khiến chúng tôi tìm đến mảng kinh doanh giá trị hơn là công nghệ ô tô”.

Trước khi chính thức tiếp quản bộ phận Bắc Mỹ của Panasonic vào tháng 4 vừa qua, Gebhardt đã lãnh đạo bộ phận sản xuất ô tô của công ty trong 5 năm. Việc một giám đốc với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô được đặt vào vị trí điều hành hoạt động của cả khu vực Bắc Mỹ là một yếu tố cho thấy, Panasonic đang xoay trục dần từ mảng điện tử tiêu dùng sang mảng công nghệ ô tô.

Trong thực tế, sự thay đổi lớn về mục tiêu của Panasonic đã đến từ khi Chủ tịch Panasonic, ông Kazuhiro Tsuga, tiếp quản Công ty vào năm 2012. Theo thông tin của Tạp chí Forbes năm 2016, ông Tsuga là “chìa khóa” cho sự thay đổi, giúp Panasonic chuyển sang các dòng thu nhập khác như hệ thống giải trí trong máy bay và xe điện, trong bối cảnh việc kinh doanh tivi ngày càng sụt giảm.

“Dù vậy, Panasonic hoàn toàn không phải là ‘chân ướt, chân ráo’ bước vào xây dựng công nghệ xe. Chúng tôi đã có mặt trong ngành kinh doanh radio trên ô tô từ năm 2008, mang tới những màn hình đa phương điện với nền tảng điện tử”, Tom Gebhardt nhấn mạnh.

Ông cho biết, Panasonic hiện đang hướng nguồn lực sang các buồng lái kỹ thuật số và các hệ thống giải trí khác trên ô tô, khi mà xe tự lái trở nên phổ biến hơn. Panasonic đã làm việc với Fiat Chrysler, cho ra mắt chiếc xe bán tự động trưng bày tại Sự kiện Điện tử tiêu dùng (CES) hồi tháng 1 năm nay. Mẫu xe này có các tính năng điện tử như màn hình cảm ứng OLED với nhận diện khuôn mặt và giọng nói…

Song, đáng chú ý hơn cả là mối quan hệ của Panasonic với Tesla. Là một trong những nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, cạnh tranh với LG và Samsung, Panasonic có sẵn lợi thế để bước vào không gian của xe điện. Công ty đang có kế hoạch đầu tư 1,6 tỷ USD vào Gigafactory, nhà máy sản xuất pin của Tesla.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, xe điện chắc chắn sẽ là tương lai”, Gebhardt nói.

Tuy vậy, tầm nhìn của Panasonic cũng có những trở ngại nhất định. Một nghiên cứu của J.D.Power năm 2016 cho thấy, hơn 50% chủ xe không sử dụng hệ thống thông tin giải trí trong xe ô tô sau 90 ngày mua. Họ thích sử dụng
smartphone vì nhanh gọn, dễ dàng hơn hệ thống có phần tụt hậu của xe.

Về vấn đề này, Gebhardt nói rằng, những cải tiến sẽ tiếp tục được thực hiện. Chẳng hạn, màn hình Android mới của Google sẽ tích hợp được trợ lý giọng nói thông minh để khuyến khích người lái xe sử dụng.

Còn đối với mảng xe điện, nhu cầu ở Mỹ vẫn chưa nở rộ và doanh số xe điện bán ra trên toàn cầu cũng chỉ ở mức 1%. Gebhardt thừa nhận, nhu cầu về xe điện phát triển chậm ở Mỹ, đặc biệt là do giá dầu khí thấp, một xu hướng có thể sẽ tiếp tục tồn tại nếu Tổng thống Donald Trump thực hiện tuyên bố đẩy lùi tiêu chuẩn phát thải nhiên liệu.

Tuy nhiên, CEO Panasonic cũng cho rằng, đây chỉ là một “vấn đề ngắn hạn” và "trong khi thị trường Mỹ đang chậm tiến độ, thị trường Trung Quốc lại có nhiều cơ hội hơn".

“Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất trên thế giới, có tác động lớn đến mọi thứ”, Gebhardt nói.

Panasonic đã thực hiện một số khoản đầu tư lớn ở những thị trường mới nổi và dự kiến sẽ sớm có lợi tức. Mới đây, Chủ tịch Tsuga cho hay, Panasonic dự kiến lợi nhuận ròng sẽ tăng trong năm tài chính 2017, mức tăng đầu tiên trong vòng 2 năm.

Tin bài liên quan