Nữ giới giúp Trung Quốc thành thị trường lớn thứ hai của Ducati

Nữ giới giúp Trung Quốc thành thị trường lớn thứ hai của Ducati

(ĐTCK) Laura Wu, 35 tuổi, có sở thích lái chiếc xe Ducati 899 Panigale vòng quanh các con đường bên ngoài Bắc Kinh, đồng thời sở hữu thêm 5 chiếc mô tô phân khối lớn khác trong gara của mình. Cô chính là hình tượng điển hình cho đối tượng khác hàng tại Trung Quốc mà các nhà sản xuất mô tô đang hướng tới.

Với việc thị trường xe mô tô tại Trung Quốc suy giảm, các nhà sản xuất xe phân khối lớn, bao gồm cà Ducati Motor Holding SpA và Harley-Davidson Inc, buộc phải hướng tới các đối tượng khách hàng đa dạng, cố gắng thu hút những “tín đồ” mới đối với dòng sản phẩm này, đặc biệt là phụ nữ.

Chiến lược của các nhà sản xuất dường như đã có tác dụng. Doanh số bán mô tô của Ducati đã tăng gần gấp đôi và của BMW AG tăng 74% trong nửa đầu năm 2016, bất chấp việc doanh số bán xe mô tô toàn thị trường giảm 15%, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Đại lục đang dần trở thành thị trường lớn thứ hai trên toàn cầu đối với Ducati.

“Nếu như trước đây, xe phân khối lớn tạo nên “ánh hào quang” cho nam giới văn phòng độ tuổi trung niên hay nam thanh niên trẻ trung, thì giờ đây, việc lái một chiếc xe phân khối lớn có thể trở thành biểu tượng cho sự độc lập của phụ nữ”, Wu cho biết.

Nữ giới giúp Trung Quốc thành thị trường lớn thứ hai của Ducati ảnh 1

 Laura Wu và chiếc xe Ducati 899 Panigale 

Ducati, thành lập tại thành phố Bologna của Ý cách đây 90 năm và hiện thuộc sở hữu của Volkswagen AG (Đức). Lần đầu tiên hãng này chú ý tới đối tượng khách hàng nữ giới là khi giới thiệu dòng xe Scrambler Sixty 2 tại Trung Quốc, Marco Elli, người đứng đầu Ducati Trung Quốc cho biết.

Ducati sẽ giới thiệu nhiều hơn các mẫu xe phù hợp với đối tượng khách hàng mới này. Hãng đã bán được gần 1.000 xe trong 5 tháng đầu năm 2016, đặc biệt đối với các dòng xe Monster, Diavel và Scrambler. Với đà tăng trưởng này, trong năm nay, Trung Quốc sẽ vượt qua Thái Lan để trở thành thị trường lớn nhất châu Á của hãng, ngoại trừ Nhật Bản.

“Chúng tôi hiểu rằng văn hóa lái mô tô đang thay đổi tại đây. Sự quan tâm đối với dòng xe phân khối lớn vượt qua cả các lệnh cấm lái xe trong nội thành và khách hàng mua xe sẽ tìm mọi cách để có thể lái xe, thỏa mãn thú vui của mình”, Elli cho biết.

Thực tế, các lệnh cấm xe phân khối lớn, cùng với một số loại xe hơi và xe máy điện, là nguyên nhân thị trường mô tô suy giảm tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, có hơn 170 thành phố tại các quốc gia châu Á có lệnh cấm hoặc giới hạn hoạt động của xe phân khối lớn.

Ngành công nghiệp xe mô tô tại Trung Quốc, ước tính giá trị khoảng 380,7 tỷ nhân dân tệ (57 tỷ USD) năm 2016, sẽ trải qua một làn sóng mới trong vài năm tới, khi các nhà sản xuất chi phí thấp trong khu vực sẽ bị buộc rút lui khỏi ngành bởi sự sụt giảm nhu cầu nội địa, Euromonitor International dự báo trong tháng 5/2016.

Trong khi các lệnh cấm tại các thành phố lớn khiến doanh thu dần thu hẹp, phân khúc khách hàng trung lưu mới nổi sẽ là thị trường nuôi dưỡng các nhà sản xuất xe trong thời gian tới.

“Thị trường dành cho loại xe phân khối lớn rất tiềm năng, với việc mức sống của người dân Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng và nhu cầu sử dụng mặt hàng này cũng tăng lên. Nếu nỗ lực của các nhà sản xuất trong việc thuyết phục chính quyền nới lỏng lệnh cấm và giới hạn đối với xe phân khối lớn thành công, chúng ta sẽ đóng nhận một bước nhảy vọt tại thị trường này”, Wang Dong, nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe ô tô nhận định.

Nữ giới giúp Trung Quốc thành thị trường lớn thứ hai của Ducati ảnh 2

 Số lượng xe mô tô đăng ký mới rơi vào xu hướng giảm tại Trung Quốc

Cho tới hiện tại, các lệnh cấm và giới hạn việc sử dụng xe mô tô đang khiến Yamaha và Honda, những công ty cung cấp các dòng sản phẩm thông thường, bị tổn thương nặng nhất. Doanh số bán mô tô tại Trung Quốc đã giảm 31% trong năm ngoái với Yamaha Motor Co và giảm 4% với Honda Motor Co, theo số liệu của các công ty.

Sanae Takana, người phát ngôn của Honda cho biết: “Hiện tại Công ty chưa có kế hoạch nào trong việc tăng cường sản xuất các dòng sản phẩm đắt tiền”.

Trong khi đó, Yamaha tập trung vào thị trường Ấn Độ hơn là Trung Quốc và chỉ bán một lượng nhỏ dòng xe phân khối lớn đắt tiền tại Đại lục, Kenji Otsuki, người phát ngôn của Yamaha cho biết.

Tin bài liên quan