Niềm vui trở lại với nhà đầu tư

Niềm vui trở lại với nhà đầu tư

(ĐTCK) Sau khi bán mạnh ra trong phiên thứ Tư do lo ngại căng thẳng thương mại leo thang, niềm vui đã trở lại với nhà đầu tư phố Wall trong phiên thứ Năm nhờ sự trở lại mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính.

Sau phiên giảm khá mạnh hôm thứ Tư do lo ngại về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ và đà đảo chiều của nhóm cổ phiếu tài chính trước kết quả kiểm tra của Fed với các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Dow Jones tăng 98,46 điểm (+0,41%), lên 24.216,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,68 điểm (+0,62%), lên 2.716,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 58,60 điểm (+0,79%), lên 7.503,68 điểm.

Sau phiên tăng tốt hôm thứ Tư, chứng khoán châu Âu đã trả lại hết vào phiên thứ Năm khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm mạnh, làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại và khuyến khích các nhà đầu tư bán ra các tài sản có tính rủi ro cao như chứng khoán.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 6,06 điểm (-0,08%), xuống 7.615,63 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 171,38 điểm (-1,39%), xuống 12.177,23 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 51,56 điểm (-0,97%), xuống 5.275,64 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản may mắn trở lại sát tham chiếu sau khi giảm mạnh trước đó, chứng khoán Hồng Kông hồi phục nhờ nhóm cổ phiếu dầu khi theo đà tăng của giá dầu, thì chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh do đồng nhân dân tệ giảm, gây lo ngại về cuộc bán tháo như năm 2015.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1,38 điểm (-0,00%), xuống 22.270,39 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 141,06 điểm (+0,5%), lên 28.497,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,28 điểm (-0,93%), xuống 2.786,90 điểm.

Dù rủi ro gia tăng, nhà đầu tư bán ra các tài sản rủi ro như chứng khoán, nhưng lại không tìm đến các kênh đầu tư an toàn như vàng, bởi vàng hiện nay được các nhà đầu tư xem như một loại hàng hóa nguyên liệu. Do đó, với căng thẳng thương mại gia tăng, các loại hàng hóa nguyên liệu lại bị bán mạnh, khiến giá kim loại quý này giảm. Mặt khác, việc đồng USD tiếp tục tăng mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng, đẩy giá kim loại quý này xuống mức thấp nhất hơn 6 tháng.

Kết thúc phiên 28/6, giá vàng giao ngay giảm 4,1 USD (-0,33%), xuống 1.247,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 5,1 USD (-0,41%), xuống 1.251,0 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục tăng và leo lên mức cao nhất 3 năm rưỡi khi giới đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ hạn chế với các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran, cũng như gián đoạn nguồn cung tại các mỏ khai thác ở Canada và Lybia.

Kết thúc phiên 28/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,69 USD (+0,94%), lên 73,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,23 USD (+0,30%), lên 77,85 USD/thùng.

Tin bài liên quan