Theo báo cáo do Francesco Garzarelli, đồng Giám đốc thị trường và kinh tế vĩ mô của Goldman Sachs mới công bố, chiến lược đầu tư của định chế tài chính này không thuận theo chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” (America First) của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà ưu tiên nguồn vốn cho các thị trường đang nổi, giao dịch ngoại hối, các loại hàng hóa và đồng euro.
Dưới đây là 6 trọng tâm được Goldman Sachs để mắt trong năm 2018.
Hành động của Fed
Các chiến lược gia nhận định, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018 và cắt giảm việc nắm giữ các trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm. Việc Fed giảm chương trình tái đầu tư trái phiếu có thể tạo nên 3 lần đồ thị “tách và tay cầm” trong năm 2018.
Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa mức lạm phát chưa ổn định và Fed giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán có thể tạo áp lực lên chi phí đi vay, đặc biệt trong nửa sau của năm 2018.
Đồng euro đi lên
Goldman Sachs cho rằng, tỷ giá euro/yên Nhật sẽ cao hơn khoảng 5% so với mức hiện tại, hướng tới mốc 1 euro đổi 140 yên. Sự phục hồi của đồng euro trong năm 2018 có được nhờ tình hình chính trị tại châu Âu có dấu hiệu bình ổn trở lại, dòng vốn đổ vào các tài sản niêm yết bằng đồng euro được duy trì.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cần chú ý, xu hướng mạnh nhất trong năm 2017 tại thị trường ngoại hối là đồng USD trở thành “vua” sẽ không còn được giữ vững trong năm 2018.
Ưu tiên thị trường nước ngoài
Trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng tích cực, các thị trường mới nổi chính là đối tượng hưởng lợi lớn nhất. Do đó, Goldman khuyến nghị nhà đầu tư nên để tâm tới việc đổ vốn vào khu vực này, cũng như để mắt tới chỉ số MSCI Emerging Market.
“Chúng tôi nhận ra phương pháp định giá so sánh cổ phiếu tại thị trường mới nổi và thị trường phát triển bị ảnh hưởng lớn bởi sự chênh lệch tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa 2 khu vực. Goldman Sachs dự báo, sự chênh lệch này sẽ được mở rộng thêm 60 điểm cơ bản trong năm tới, khiến định giá cổ phiếu tại thị trường mới nổi cao hơn thị trường phát triển khoảng 3%”, Garzarelli cho biết.
Chu kỳ tín dụng
Chu kỳ tín dụng tại Mỹ đã đi được quãng đường dài, trong khi môi trường tại các thị trường mới nổi “trẻ trung và thân thiện” hơn, Garzarelli cho biết.
Với lý do này, Goldman Sachs khuyến nghị nên đầu tư vào các tài sản nợ bằng đồng USD tại các thị trường mới nổi, thông qua Chỉ số J.P. Morgan EMBI Global Total Return và đặt ngược lại các tài sản cấp thấp tại Mỹ thông qua chỉ số iBoxx USD Liquid High Yield. Nguyên nhân bởi đây là chỉ số tập trung vào tài sản tại thị trường mới nổi duy nhất có liên quan tới chu kỳ tín dụng tại Mỹ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ đợt bán tháo sau khi ông Trump thắng cử.
Thị trường ngoại hối châu Á
Garzarelli cho rằng, nhà đầu tư nên đi đường dài với giỏ tiền tệ bao gồm đồng rupee (Ấn Độ), rupiah (Indonesia) và won (Hàn Quốc), trong khi chỉ nên đầu tư ngắn hạn vào SGD (đô la Singapore) và yên Nhật.
Kim loại đi lên
Giá cả của các loại kim loại sẽ được củng cố khi thương mại toàn cầu phát triển. Theo Goldman Sachs, nhà đầu tư có thể sớm thu hồi lợi nhuận thông qua xu hướng này tại thị trường ngoại hối.
Cụ thể, đồng tiền tại mỗi quốc gia sẽ mạnh hơn nhờ xu hướng tăng giá của các loại nguyên liệu, hàng hóa. Một giỏ với tỷ trọng 25% đồng real (Brazil), 25% peso (Chile) và 50% sol (Peru) có thể mang về lợi nhuận khoảng 8% so với việc chỉ đặt cược vào đồng USD.
“Cả 3 đồng tiền này trong dài hạn đều được hưởng lợi nhờ xu hướng đi lên của giao dịch thương mại trên toàn cầu và nhu cầu gia tăng trong 2 thập kỷ qua. Thêm vào đó, mỗi đồng tiền đều có màn trình diễn tích cực trước khi xảy ra khủng khoảng – thời điểm mà hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh và giá cả kim loại leo dốc”.