Ảnh Internet

Ảnh Internet

Những doanh nhân có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới kinh tế toàn cầu

(ĐTCK) Mới đây, hãng tin Bloomberg đã công bố danh sách 50 người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới nền kinh tế toàn cầu (Bloomberg Markets 50 Most Influential). Đó có thể là những doanh nhân, ông chủ ngân hàng, những nhà quản lý quỹ và cả các chính trị gia… Họ đến từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng cùng có một điểm chung: cực kỳ thành công trong lĩnh vực họ đã chọn.

Tiêu chí lựa chọn của Bloomberg nghiêng về những thành tựu mới đạt được trong thời gian gần đây của các ứng viên, bởi vậy, có một nửa số nhân vật trong danh sách năm nay chưa từng xuất hiện trong các bảng xếp hạng trước đó của Bloomberg. Năm nay cũng là năm đầu tiên, Bloomberg có được sự giúp sức của một hội đồng tư vấn gồm 9 chuyên gia công nghiệp nổi tiếng. Dưới đây là 10 doanh nhân tiêu biểu trong số 50 người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới nền kinh tế toàn cầu, theo Bloomberg.

Những doanh nhân có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới kinh tế toàn cầu ảnh 1

 Lloyd Blankfein (CEO Goldman Sachs)

Lloyd Blankfein đã dẫn dắt Goldman Sachs trong vai trò giám đốc điều hành trong suốt 9 năm qua. Dưới bàn tay của ông, Goldman Sachs đã vươn lên ngoạn mục so với các đối thủ trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư.

Sự dẫn dắt của ông đã giúp Goldman Sachs tránh được thảm kịch mà các đối thủ của nhà băng này gặp phải trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nửa đầu năm 2015, Goldman Sachs chiếm 30% doanh thu tư vấn sáp nhập trên toàn cầu trong số 8 ngân hàng lớn, con số mà chưa một ngân hàng đầu tư nào có thể đạt được ít nhất từ năm 2006.

Goldman Sachs có liên quan tới 6 trong số 7 thương vụ lớn nhất trong năm 2015. Doanh thu từ nghiệp vụ tư vấn của Ngân hàng cán mốc 1,78 tỷ USD trong 2 quý đầu năm nay, gấp đôi so với Morgan Stanley và gấp 4 so với Credit Suisse.

Blankfein, 61 tuổi, vẫn cam kết gắn bó lâu dài ở vị trí dẫn dắt Goldman Sachs. Mới đây, Blankfein tiết lộ, ông đang điều trị bệnh ung thư máu, nhưng tuyên bố sẽ tiếp tục lãnh đạo Nhà băng.

Khi được hỏi khi nào ông sẽ rời đi, Blankfein cười và nói rằng, ông đã nghe câu hỏi này ngay từ ngày đầu tiên làm CEO. Hiện tại, ông đang ở trên đỉnh cao của trò chơi và tận hưởng công việc giúp ông trở thành một tỷ phú.

Ana Botín (Chủ tịch Banco Santander)
 

Ana Patricia Botín trở thành một trong những lãnh đạo ngân hàng đầy quyền lực trên thế giới và là người phụ nữ đầu tiên trở thành người lãnh đạo một ngân hàng lớn ở châu Âu trong tháng 9/2014, khi bà thế chân nắm giữ vị trí chủ tịch dịch vụ tài chính của Santander Group. Ngân hàng có trụ sở tại Madrid này ngày nay có giá trị thị trường lớn hơn cả Deutsche Bank và Société Générale cộng lại.

Được đào tạo tại Mỹ, Ana Botín có thể nói 5 thứ tiếng, từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo khác ở Ngân hàng.

Tim Cook (CEO Apple)

Thật không dễ dàng gì đối với Tim Cook khi ông tiếp bước theo sau cái bóng quá lớn của nhà đồng sáng lập Apple, Steve Jobs. Tuy nhiên, dưới quyền Tim Cook, Apple đã liên tục phá vỡ kỷ lục của chính mình về doanh thu và lợi nhuận, đồng thời, Công ty vẫn giữ vị trí là công ty giá trị nhất thế giới.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 9, hơn 13 triệu chiếc iPhone 6s/6s Plus đã được bán ra trong đợt mở bán, vượt qua kỷ lục 10 triệu chiếc iPhone 6/6 Plus từng được hãng bán ra vào năm ngoái. Trao đổi với báo giới, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết, doanh số bán iPhone 6s/6s Plus đã trở thành “một hiện tượng, phá vỡ mọi kỷ lục về doanh số bán của những đợt chào bán iPhone trong lịch sử Apple”.

Thêm một thông tin bên lề, Tim Cook đã tuyên bố rằng, sau khi chi trả chi phí học hành của đứa cháu trai 10 tuổi, ông lên kế hoạch để lại tất cả tài sản của mình cho mục đích từ thiện.

Larry Fink (Đồng sáng lập Công ty quản lý quỹ đầu tư BlackRock)

Những năm 80, nhờ đi tiên phong trên thị trường trái phiếu bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp mua nhà, Larry Fink là người lên tới cấp Giám đốc điều hành (Managing Director) trẻ nhất mọi thời đại tại First Boston.

Sau khi rời First Boston, Fink thành lập BlackRock Financial Management năm 1988. Khởi đầu chỉ là công ty dưới trướng của Blackstone, ít ai nghĩ rằng có một ngày BlackRock lại vượt xa "người mẹ" cũ của mình.

Hiện tại, Larry Fink là người đứng đầu quỹ đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock, quản lý số tài sản lên tới hơn 4,7 nghìn tỷ USD. Số tài sản này cũng khổng lồ như ảnh hưởng của Larry Fink đối với thị trường tài chính toàn cầu.

Mỗi quyết định của Fink có ảnh hưởng rất lớn tới tiền tiết kiệm của hàng triệu công nhân Mỹ. Một thống kê cho thấy, 93% số lương hưu của người Mỹ là do BlackRock quản lý.

Abigail Johnson (CEO Fidelity Investments)

Abigail Johnson đảm nhận vị trí CEO Fidelity năm 2014, thay thế cha mình là Edward “Ned” Johnson và trở thành thế hệ thứ 3 nhà Johnson dẫn dắt Công ty do gia đình sáng lập. Hiện tại, Fidelity là công ty quản lý quỹ tư nhân lớn thứ 2 ở Mỹ, chỉ sau Vanguard, với 2 nghìn tỷ USD tài sản.

Abigail sở hữu khoảng 24% cổ phần tại Công ty, góp phần lớn vào khối tài sản cá nhân trị giá 14,3 tỷ USD của bà.

Jeff Bezos (Người sáng lập Amazon.com)

Trong tháng 7/2015, Amazon.com thông báo doanh thu vượt mọi mong đợi, 92 triệu USD trong quý II/2015. Thêm vào đó, cổ phiếu của Amazon có màn biểu diễn vượt trội so với các công ty công nghệ lớn khác trong năm nay, điều này khiến khối tài sản của Bezos lập tức nhảy lên thêm 16,5 tỷ USD, đưa ông lọt top 4 của Forbers 400.

Warren Buffett (CEO Berkshire Hathaway)

Warren Buffett là một huyền thoại trong giới đầu tư, người giàu thứ 2 thế giới và điều hành một trong những công ty hàng đầu. Ở tuổi 85, tài năng lãnh đạo và kinh nghiệm đầu tư của ông vẫn khiến giới tài chính nể phục.

Buffett hiện đang tích cực ủng hộ bà Hillary Clinton trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2016.

Jamie Dimon (CEO JPMorgan Chase)

Đôi lúc, JPMorgan được người ta gọi là “The House of Dimon” (tạm dịch: Nhà Dimon), cái tên thể hiện sự hiện diện của vị CEO tên tuổi Jamie Dimon. Có thể nói, Dimon chính là nhân vật quyền lực nhất trong ngành ngân hàng nước Mỹ. 

Dimon (59 tuổi) đã dẫn dắt JPMorgan kể từ năm 2005 và trở thành vị CEO có nhiệm kỳ lâu năm nhất trong 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ hiện nay. Dimon đã giúp JPMorgan vượt qua khủng hoảng tài chính mà không ghi nhận quý nào thua lỗ, thâu tóm mảng ngân hàng của Bear Stearns Cos và Washington Mutual Inc khi những định chế này sụp đổ.

Dimon vừa quay trở lại đảm nhận vị trí CEO của JPMorgan vào tháng 10/2014, sau một thời gian điều trị ung thư vòm hòng. Ông công bố thông tin này với Ngân hàng vào tháng 7/2014 và cho biết, ông vẫn tiến hành công việc kinh doanh bình thường.

Carl Icahn (Chủ tịch Icahn Enterpries)

Hồi giữa tháng 8/2013, khi Carl Icahn, ông chủ của Icahn Enterprises, tiết lộ đã mua số cổ phần lớn trong Apple, ngay lập tức giá cổ phiếu Apple đã tăng tới 5,69% và đóng cửa với mức tăng 4,75%, là phiên giao dịch có mức tăng cao thứ hai trong lịch sử của Apple tại thời điểm đó.

Tháng 6/2015, Icahn thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng ông đã bán cổ phần trong Netflix, khiến cổ phiếu của công ty này ngay lập tức sụt giá 2,7%. Trước đó, Icahn đã “bỏ túi” khoản lời ít nhất 1,6 tỷ USD từ cổ phiếu Netflix.

Đây là những ví dụ điển hình cho tầm ảnh hưởng của Carl Icahn trên thị trường tài chính toàn cầu. Quỹ đầu tư của ông, Icahn Enterpries đã công bố doanh thu đáng ngưỡng mộ trong nửa đầu năm 2015, tăng trưởng 8,4% và hồi phục mạnh mẽ sau khi suy giảm vào năm ngoái. Hiện tại, Icahn tiếp tục đánh cược vào cổ phiếu Apple và một số khoảng đầu tư vào năng lượng, tuy đang bị thiệt hại bởi giá dầu thấp.

Reid Hoffman (Đồng sáng lập LinkedIn)

Reid Hoffman, chủ doanh nghiệp, nhà điều hành, nhà đầu tư… đã xây dựng sự nghiệp của mình bằng cách thấu hiểu con người hành động và phản ứng như thế nào trong mạng xã hội.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Hoffman, 48 tuổi, đã góp phần xây dựng những công ty công nghệ góp phần thay đổi cuộc chơi, xoay vần thời đại. Là một thành viên của nhóm sáng lập PayPal, ông nhận ra sự bất an của mọi người khi chia sẻ thông tin thẻ tín dụng khi mua bán online và xây dựng một hệ thống thanh toán an toàn qua internet, là người mở đường cho Apple Pay và rất nhiều dịch vụ thanh toán điện tử khác.

Tại LinkedIn, Công ty ông đồng sáng lập năm 2002, Hoffman nắm bắt được mong muốn và tham vọng nghề nghiệp của hàng triệu người và gắn kết họ với nhau để tiến về phía trước.

2 năm sau đó, với tư cách là một nhà đầu tư bảo trợ khởi nghiệp, Hoffman nhận ra tiềm năng tại dự án của một sinh viên chưa tốt nghiệp đại học, cho rằng ý tưởng này một ngày nào đó sẽ biến thành công cụ đầy tiềm năng trong việc kết nối bạn bè, tạo nên các mối quan hệ mới. Ông là một trong những nhà đầu tư đầu tiên nhận ra và đầu tư vào Facebook. Theo TechCrunch, Hoffman bỏ ra 37.500 USD khi Facebook trị giá 5 triệu USD, giờ đây, giá trị thị trường của Facebook là 260 tỷ USD.

“Ông ấy nhìn thấy tương lai của mạng xã hội sớm hơn bất cứ ai. Điều này giống như Albert Einstein và thuyết tương đối”, Herb Allen, CEO của Allen & Co cho biết.

Hiện tại, với tư cách là một nhà đầu cơ tại Greylock Partners, Hoffman có cơ hội tiếp cận với rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp ở nhiều nơi. Ông và các đồng sự đã đỡ đầu cho không ít các dự án đình đám như Airbnb, Instagram, Workday…

Tin bài liên quan