Các thương vụ M&A đang làm nóng ngành công nghiệp truyền hình cáp của Mỹ

Các thương vụ M&A đang làm nóng ngành công nghiệp truyền hình cáp của Mỹ

Những con số ấn tượng của M&A toàn cầu nửa đầu năm 2015

(ĐTCK) Nửa đầu năm 2015 được xem là quãng thời gian bận rộn cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Thomson Reuters và PricewaterhouseCoopers (PwC), trong nửa đầu năm, giá trị của hoạt động M&A toàn cầu đạt 2,2 nghìn tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời, đây là khởi đầu mạnh mẽ nhất của M&A toàn cầu kể từ năm 2007.

Kể từ đầu năm tới nay, có 20.500 thương vụ M&A được công bố, tăng 3% so với năm ngoái. Riêng trong quý II, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt 1,4 nghìn tỷ USD, tăng 63% về giá trị và 8% về số lượng so với quý trước đó.

Cũng theo báo cáo trên, giá trị hoạt động M&A tại Mỹ đạt 1 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm 2015, tăng 60% so với cùng thời gian năm ngoái và là mức cao nhất trong làn sóng M&A tại Mỹ kể từ năm 1980. Bên cạnh đó, với giá trị 575,7 tỷ USD, các thương vụ M&A tại châu Á -Thái Bình Dương cũng ghi tên vào danh sách các khu vực có hoạt động M&A mạnh mẽ nhất.

Ngành năng lượng dẫn đầu trong làn sóng M&A, với giá trị các thương vụ đạt 361,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2015, tăng 72% so với năm 2014. Trong khi, M&A tại lĩnh vực y tế và công nghệ cũng lần lượt tăng 58% và 81%. Chỉ có một lĩnh vực có hoạt động M&A kém sôi nổi hơn, đạt giá trị 174,5 tỷ USD, M&A ngành tài chính đã giảm 5% so với nửa đầu năm 2014.

Dưới đây là một số thương vụ M&A đình đám trong nửa đầu năm 2015 trên toàn cầu. 

Royal Dutch Shell chi 70 tỷ USD mua lại BG Group PLC

Đầu tháng 4/2015, công ty dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell của Hà Lan đã chi 47 tỷ bảng Anh (70 tỷ USD) tiền mặt và cổ phiếu để mua lại hãng đối thủ BG Group PLC (Anh).

Đây là thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử ngành năng lượng trong ít nhất một thập kỷ qua, giúp Shell, tập đoàn năng lượng lớn nhất châu Âu tính theo giá trị thị trường, ngày càng lớn mạnh hơn trên sân chơi toàn cầu.

Công ty sau khi sáp nhập, được dẫn dắt bởi CEO Ben van Beurden của Shell, sẽ có giá trị thị trường gấp đôi BP Plc và vượt qua Chevron Corp. Trước đó, Shell đang phải vật lộn với việc sản lượng sản xuất rơi xuống mức thấp nhất 17 năm qua, cùng với tình trạng nguồn dự trữ nhỏ hẹp. Sau khi sáp nhập, mức dự trữ gas và dầu của Shell sẽ tăng lên 28%.

Công ty mới sau khi sáp nhập sẽ trở thành nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất trên thế giới. Trước đó, Shell là người tiên phong trong việc vận chuyển khí đốt hóa lỏng ra thị trường nước ngoài từ cách đây một thập kỷ. Các đối thủ của Shell như Chevron đều nhận định rằng, LNG sẽ đóng vai trò quan trọng tại các nền kinh tế mới nổi, khi các quốc gia này tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế cho các nguồn năng lượng khác như than đá.

Giám đốc điều hành Ben van Beurden cho biết, sáp nhập sẽ giúp tiết kiệm chi phí lên tới 2,5 tỷ USD/năm cho Công ty. Ngoài ra, việc gia tăng trữ lượng và khối lượng sản xuất cũng giúp cho tập đoàn Shell chuẩn bị tốt hơn cho các nhu cầu năng lượng trong tương lai. 

Charter Communications mua lại Time Warner Cable với 55 tỷ USD

Charter Communications hiện là hãng truyền hình cáp lớn thứ 4 tại Mỹ, còn Time Warner Cable là công ty lớn thứ 2. Năm ngoái, Charter từng đề nghị mua Time Warner Cable với giá 61 tỷ USD, nhưng đã bị từ chối. Comcast, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số 1 tại Mỹ, sau đó nhảy vào thế chân Charter khi đưa ra mức giá 45 tỷ USD. Tuy nhiên, Comcast lại không qua được vòng kiểm duyệt của giới chức Mỹ.

Đầu tháng 5/2015, Charter Communications lại vào cuộc và giành được thắng lợi. Công ty truyền hình cáp lớn thứ 4 tại Mỹ đã mua lại Time Warner Cable với giá 55 tỷ USD.

Trước đó, vào đầu năm 2015, Charter đã đồng ý chi 10,4 tỷ USD để mua lại công ty truyền hình cáp tư nhân Bright House Networks.

Như vậy, với Time Warner Cable và Bright House, Charter sẽ trở thành đế chế khổng lồ, ngang tầm với Comcast. Công ty sau khi sáp nhập sẽ phục vụ 23,9 triệu khách hàng tại 41 bang trên khắp nước Mỹ.

Các thương vụ mua bán - sáp nhập đang làm nóng ngành công nghiệp truyền hình cáp, khi ngành này đối mặt với tình trạng nhu cầu suy giảm và chịu cạnh tranh từ các dịch vụ trực tuyến như Netflix hay Amazon. Các hãng truyền hình cáp đang mở rộng dịch vụ trên Internet để bù đắp lại khoản lỗ do các thuê bao mang lại.

Anthem mua lại Cigna, tạo nên hãng bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ

Ngày 24/6 vừa qua, Tập đoàn bảo hiểm y tế Anthem Inc cho biết, công ty này sẽ mua lại Công ty Bảo hiểm Cigna Corp với khoảng 54,2 tỷ USD, tạo nên hãng bảo hiểm nhân thọ lớn nhất nước Mỹ tính theo số lượng khách hàng tham gia bảo hiểm.

Thương vụ sáp nhập giữa Anthem và Cigna diễn ra chỉ ba tuần sau khi Tập đoàn Bảo hiểm y tế Aetna Inc. đồng ý mua lại Công ty Bảo hiểm Humana Inc. với giá 34 tỷ USD và tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nhằm sắp xếp lại thứ bậc của những đại gia bảo hiểm sẽ thống trị ngành công nghiệp bảo hiểm y tế của Mỹ; giảm số lượng từ 5 công ty lớn nhất xuống chỉ còn 3 tập đoàn khổng lồ.

Anthem ước tính rằng, vụ sáp nhập này sẽ làm tăng thu nhập của mỗi cổ phiếu tới gần 10% trong năm đầu tiên sau khi hoàn tất giao dịch, với tỷ lệ cao hơn gấp đôi vào năm thứ hai. Anthem cũng cho biết, thỏa thuận sáp nhập với Cigna có thể tạo ra gần 2 tỷ USD giá trị cộng hưởng hàng năm, chủ yếu là tiết kiệm được chi phí từ việc loại bỏ những hoạt động bị chồng chéo. 

HJ Heinz sáp nhập Kraft Foods Group với 45 tỷ USD

2 năm trước, 3G Capital và Berkshire Hathaway đã mua lại H.J.Heinz Co với giá 23 tỷ USD. Đến đầu năm nay, 3G cùng Berkshire tiếp tục tạo nên một công ty mới thông qua việc sáp nhập H.J. Heinz Co. và Kraft Foods Group. Công ty mới thành lập sẽ mang tên Kraft Heinz Company. Dựa theo doanh số bán hàng, công ty được kỳ vọng sẽ trở thành hãng thực phẩm lớn thứ 5 trên thế giới và đứng thứ 3 tại Mỹ.

Sau sáp nhập, cổ đông Heinz sẽ sở hữu 51% cổ phiếu tại Kraft Heinz, trong khi cổ đông của Kraft sẽ nhận phần còn lại và cổ tức đặc biệt 16,5 USD mỗi cổ phiếu. Cổ tức đặc biệt này có tổng trị giá 10 tỷ USD, do Berkshire Hathaway và 3G Capital chi trả.

Công ty sau sáp nhập - Kraft Heinz Company được dự báo sẽ  tiết kiệm 1,5 tỷ USD chi phí mỗi năm cho đến năm 2017.

Alex Behring, Chủ tịch Heinz, sẽ làm Chủ tịch công ty mới. John Cahill, Chủ tịch kiêm CEO Kraft sẽ làm Phó chủ tịch và Bernardo Hees, CEO Heinz, sẽ đảm nhận chức CEO.

Thương vụ này vẫn cần sự chấp thuận từ giới chức và cổ đông Kraft. Tuy nhiên, HĐQT cả hai công ty đều đã thông qua. Thương vụ dự kiến hoàn tất vào nửa cuối năm nay. 

Teva Pharma ngỏ ý mua lại Mylan NV với 40,1 tỷ USD

Giữa tháng 4/2015, Teva Pharmaceutical Industries Ltd đã đưa ra lời đề nghị mua lại Mylan NV với giá 40,1 tỷ USD. Đây chính là thương vụ M&A lớn nhất ngành dược phẩm kể từ đầu năm tới nay.

Teva, hãng sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới, đã ngỏ ý trả 82 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt và cổ phiếu, cao hơn 23% so với giá trị trên thị trường của Mylan vào thời điểm đó (ngày 16/4).

Thỏa thuận này, nếu thành công sẽ biến Teva trở thành một gã khổng lồ không gì có thể thách thức trong ngành công nghiệp dược phẩm, với doanh thu lên tới 27 tỷ USD mỗi năm.

Thương vụ mua lại Mylan này sẽ lớn gấp 4 lần thương vụ M&A có giá trị cao nhất mà Teva từng thực hiện. Đồng thời, Mylan sẽ giúp Teva có thể ngay lập tức thâm nhập vào thị trường các thiết bị y tế giá rẻ tại Ấn Độ, Brazil, Hungary và Ba lan.

Trước đó, Teva nổi tiếng với các thương vụ M&A của mình, thông qua đó mà không ngừng lớn mạnh.

Tin bài liên quan