Motorola quyết định tách làm hai nhằm tối ưu hóa lợi thế và vực dậy trở lại.

Motorola quyết định tách làm hai nhằm tối ưu hóa lợi thế và vực dậy trở lại.

Nhìn lại nước cờ chia tách của Motorola

Vào giữa năm 2008, tập đoàn Motorola của Mỹ đối diện khó khăn tứ phía, và Giám đốc điều hành (CEO) Greg Brown của hãng bị chứng mất ngủ hành hạ.

Tình hình mảng điện thoại di động của Motorola ở thời điểm đó rất u ám, khi mà đối thủ iPhone của Apple quá mạnh và kinh tế Mỹ chìm vào suy thoái. Theo tạp chí Forbes, mọi suy nghĩ của CEO Brown bởi thế đều tập trung vào việc làm thế nào để vực dậy Motorola nhằm xoa dịu những cổ đông khó tính.

 

Sau nhiều đêm thức trắng vì áp lực công việc, CEO Brown ra quyết định chia tách Motorola làm hai công ty độc lập, một là Motorola Mobility bao gồm các mảng điện thoại và thiết bị giải mã truyền hình dưới sự lãnh đạo của CEO Sanjay Jha; một là Motorola Solutions với các sản phẩm và dịch vụ phục vụ doanh nghiệp như radio hai chiều dành cho các cơ quan an ninh, máy đọc mã vạch… dưới sự lãnh đạo của chính CEO Brown. Quyết định tách đôi tập đoàn này được thực hiện vào tháng 1/2011.

 

Không lâu sau, vào tháng 8 vừa qua, “đại gia” công cụ tìm kiếm trực tuyến Google đã nhất trí chi 12,5 tỷ USD để mua lại Motorola Mobility. Bởi thế, không lâu nữa, sẽ chỉ còn lại một Motorola độc lập, chính là Motorola Solutions vốn dĩ không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, đây lại là một công ty không hề nhỏ, có tới 23.000 nhân viên, doanh thu hàng năm 8 tỷ USD, giá trị vốn hóa thị trường 15 tỷ USD, cao hơn mức giá mà Google trả để có Motorola Mobility.

 

CEO Brown thừa nhận, ông hài lòng với việc sẽ lại chỉ có một Motorola. “Từ khi Motorola tách làm đôi, mỗi khi nghe báo chí nói đến tên công ty, mọi người lại băn khoăn đó là Motorola nào. Thương vụ của Google sẽ giúp làm rõ Motorola Solutions là ai”, ông Brown phát biểu.

 

Vậy Motorola Solutions thực sự là ai? Câu trả lời là, đây là một công ty chuyên cung cấp thiết bị viễn thông cho các công ty khác và khu vực công. Bên cạnh đó, công ty này còn đặt mục tiêu đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực băng thông rộng, nhưng không đặt trọng tâm vào thị trường người tiêu dùng như Motorola Mobility.

 

Từ khi được tách riêng, Motorola Solutions đã liên tục tung ra sản phẩm mới. Nhờ đó, doanh thu của công ty được trang The Street dự báo sẽ đạt 8,3 tỷ USD trong năm nay và 8,7 tỷ USD trong năm tới, từ mức 7,9 tỷ USD trong năm 2010. Mới đây, công ty đã tăng dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2011 lên 5,5-6%, từ mức 4-4,5% trước đó. Cũng theo The Street, Motorola Mobility đã trả cổ tức cho cổ đông ở mức 2% và chi 2 tỷ USD để mua lại cổ phiếu. Một số chuyên gia dự báo, mức cổ tức của công ty sẽ tăng trong năm 2012.

 

Với lịch sử 82 năm hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, tập đoàn Motorola trước khi tách làm đôi đã tạo ra những bước đột phá của ngành, chẳng hạn cuộc gọi di động đầu tiên vào năm 1973. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng không ít lần thất bại, đặc biệt là gần như bỏ lỡ cuộc đua trên thị trường điện thoại thông minh béo bở, mở đầu cho những thách thức tài chính dẫn tới kết cục chia tách.

 

CEO Brown đã hạ quyết tâm không để những sai lầm như thế lặp lại lần nữa. Trọng tâm Motorola Solutions sắp tới là tạo ra những sản phẩm và dịch vụ không dây mới. Trên thực tế, công ty đã cung cấp các thiết bị cầm tay cho các doanh nghiệp như FedEx và UPS. Có thể dễ dàng bắt gặp nhân viên giao hàng chuyển phát của các công ty này sử dụng thiết bị của Motorola Solutions.

 

Không chỉ có vậy, Motorola Solutions còn đang mở rộng “độ phủ sóng” bằng cách sản xuất một chiếc máy tính bảng chạy hệ điều hành Android mang tên ET1. Tuy nhiên, đây cũng là một sản phẩm phục vụ khách hàng doanh nghiệp. Các hãng bán lẻ có thể dùng ET1 để định vị các loại hàng hóa, hỗ trợ khách mua hàng… Nhân viên bệnh viện có thể dùng chiếc máy này để nhập dữ liệu về bệnh nhân. ET1 có giá chưa đầy 1.000 USD và sẽ bắt đầu được giao hàng vào tháng 12 tới đây.

 

Motorola Solutions tin tưởng rằng, các mạng viễn thông của ngành an ninh rồi sẽ nâng cấp lên công nghệ 4G tốc độ cao LTE. Để chứng minh cho tiềm năng này, công ty đã phát triển một “chiếc xe cảnh sát của tương lai” có gắn camera, modem và máy ghi hình kỹ thuật số. CEO Brown cho biết, công nghệ LTE đem đến cho chiếc xe này khả năng kiểm tra nhanh biển số xe và gửi hình ảnh video tới bộ phận điều phối.

 

Hiện Motorola Solutions đang tham gia vào các dự án băng thông rộng trị giá 1,5 tỷ USD cho ngành an ninh ở Mỹ, Trung Đông và một số khu vực khác. Hãng kỳ vọng thị trường này sẽ tăng lên mức 3-5 tỷ USD trong vòng 4-5 năm tới.

 

Một điểm cộng cho CEO Brown là ông không còn phải chia sẻ vai trò giám đốc điều hành nữa. Trong những tháng trước khi Motorola chia tách, vai trò này cùng lúc do Brown và Jha gánh vác.

 

“Nói chung, việc hai người cùng làm giám đốc điều hành không có hiệu quả. Nhưng chúng tôi đã làm việc có hiệu quả, dù điều đó là rất khó”, ông Brown nói với phóng viên của Forbes. Trong thời gian là đồng CEO, Brown và Jha gặp khá nhiều thách thức khi phân chia số lượng bằng sáng chế khá lớn và thương hiệu công ty.

 

Cuối cùng, cả hai quyết định, Motorola Mobility sẽ sở hữu phần lớn trong số 34.000 bằng sáng chế của hãng; Motorola Solutions chỉ nhận 10.000 bằng sáng chế và có một thỏa thuận cấp phép chéo sau khi Motorola Mobility về chung một nhà với Google.

 

Khi chạm đến cái tên Motorola, vấn đề càng phức tạp hơn. Cả Brown và Jha đều xem thương hiệu này là nền tảng cho lĩnh vực kinh doanh của họ. Rốt cục, cả hai cùng quyết định sử dụng thương hiệu này, nhưng có gắn thêm hai “cái đuôi” Mobility và Solutions để phân biệt giữa hai công ty mới.

 

Vấn đề nhầm lẫn tên gọi không khiến CEO Brown suy nghĩ nhiều bằng việc làm thế nào để Motorola của ông có những bước tiến vững chắc trong thời gian tới. “Tôi không muốn mọi người cho rằng Motorola Solutions có một khởi đầu tốt. Tôi muốn họ xem công ty của chúng tôi là một công ty mạnh và có một tương lai sáng”, ông Brown nói.