Nghiên cứu của các nhà phân tích thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá kinh tế toàn cầu sẽ duy trì sự phục hồi tăng trưởng ở mức độ “vừa phải” trong năm nay và năm 2018. Họ cho rằng, các triển vọng tại thời điểm hiện tại đã thuận lợi hơn so với một năm trước, song là chưa đủ để duy trì sự ổn định trong dài hạn.
Trước hết, rủi ro nằm trong thị trường tài chính. Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Jaime Caruana lưu ý rằng, tại nhiều nền kinh tế phát triển và đang nổi, sự bùng nổ tài chính đã không còn diễn ra hoặc với quy mô bị thu hẹp hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, trên quy mô toàn cầu, tình trạng nợ nần vẫn ở các mức kỷ lục. Năm 2016, nợ trong lĩnh vực phi tài chính của 20/35 nền kinh tế thành viên của OECD đứng ở mức khoảng 220% GDP, cao hơn 40 điểm phần trăm so với năm 2007.
Không thể phủ nhận hệ thống tài chính toàn cầu đã ghi nhận một số điểm tích cực như: hệ thống tài chính lõi của các nền kinh tế phương Tây đã được quản lý và điều tiết tốt hơn so với năm 2007, giới chức Trung Quốc bình ổn thị trường tài chính hiệu quả hơn (nếu cần thiết), hay thế giới chưa ghi nhận các đợt bong bóng tín dụng đáng kể nào (ngoại trừ tại Trung Quốc).
Tuy nhiên, một khi lãi suất tại các nền kinh tế chủ chốt của thế giới tăng, các rủi ro lớn hơn sẽ càng hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh mục tiêu lạm phát 2% vẫn chưa thể thực hiện được như tại Mỹ hay Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Một vấn đề khác và cũng có thể là mối nguy hiểm nhất đó là sự đổ vỡ trong hợp tác đa phương toàn cầu, trong đó nguyên nhân xuất phát từ những xung đột, chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ.
Toàn cầu hóa về kinh tế từng được coi là động lực chủ chốt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thế giới, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống con người trong nửa thế kỷ qua.
Nhưng cũng như những bước thay đổi lớn khác về kinh tế, toàn cầu hóa đặt ra những thách thức, đặc biệt là làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập, suy giảm việc làm trong lĩnh vực chế tạo tại nhiều nền kinh tế có thu nhập cao, qua đó kích thích tâm lý bảo hộ trong nước, ngay cả tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giới phân tích cho rằng, sự đổ vỡ này sẽ hủy hoại tính ổn định của kinh tế thế giới và trật tự toàn cầu.
Trong báo cáo công bố tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ quan điểm rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng vững chắc trong năm nay, nhờ thương mại thế giới đang được cải thiện và hoạt động tốt hơn của các thị trường mới nổi lớn. Tuy nhiên, những rủi ro chính bao gồm chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và sự không chắc chắn về chính sách đặt ra những thách thức quan trọng cho sự phát triển ổn định của kinh tế toàn cầu.
Các nhà phân tích còn đưa ra một quan điểm rất đáng chú ý: Các nền kinh tế thế giới dường như đang vấp phải những rào cản từ chính những chính sách nội tại của mình. Họ từng đổ tiền để kích thích kinh tế phục hồi sau khủng hoảng thì nay sự phục hồi đó lại đặt ra một thách thức mới để tránh làm bùng nổ hệ thống tài chính và duy trì sự tăng trưởng bền vững.
Đảm bảo tăng trưởng ít phụ thuộc vào các khoản nợ thực sự là bài toán hóc búa mà các nhà hoạch định chính sách không dễ giải quyết. Nếu các nền kinh tế thất bại trong việc ứng phó với những thách thức cấu trúc này, sự phục hồi toàn cầu chắc chắn khó có thể bền vững và kéo dài.