Nhiều nỗi lo lại xuất hiện trở lại với giới đầu tư

Nhiều nỗi lo lại xuất hiện trở lại với giới đầu tư

(ĐTCK) Sau khi nỗi lo chiến sự Syria tạm qua, giới đầu tư lại đối mặt với nhiều nỗi lo mới về nhu cầu smartphone giảm, Fed tăng lãi suất...

Phố Wall đồng loạt giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua, đặc biệt là Nasdaq mất hơn 1,2% khi nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh sau thông tin dự báo nhu cầu smartphone sụt giảm.

Trong khi đó, đợt bán tháo phiên thứ 2 liên tiếp xảy ra trên thị trường trái phiêu khiến lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh, lên mức cao nhất 4 năm.

Kết thúc phiên 20/4, chỉ số Dow Jones giảm 201,95 điểm (-0,82%), xuống 24.462,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,99 điểm (-0,85%), xuống 2.670,14 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 91,93 điểm (-1,27%), xuống 7.146,13 điểm.

Dù điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall vẫn có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp dù mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,42%, chỉ số S&P 500 tăng 0,52%, chỉ số Nasdaq tăng 0,56%.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại từ chứng khoán Đức tiếp tục giảm nhẹ, còn chứng khoán Anh và Pháp vẫn duy trì đà tăng nhờ kết quả kinh doanh tích cực của Ericsson và Telia.

Kết thúc phiên 20/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,25 điểm (+0,54%), lên 7.368,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 26,92 điểm (-0,21%), xuống 12.540,50 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 21,19 điểm (+0,39%), lên 5.412,83 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có thêm tuần tăng điểm ấn tượng. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 1,43% trong tuần qua, chỉ số DAX tăng 0,79% và chỉ số CAC 40 tăng 1,84%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại nhu cầu smartphone giảm cũng khiến chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong phiên cuối tuần sau chuỗi phiên tăng liên tiếp trước đó. Trong khi đó, lo ngại về cuộc chiến thương mại với Mỹ, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần sau phiên hồi phục hôm thứ Năm (19/4).

Kết thúc phiên 20/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 28,94 điểm (-0,13%), xuống 22.162,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 290,11 điểm (-0,94%), xuống 30.418,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 45,83 điểm (-1,47%), xuống 3.071,54 điểm.

Trong tuần, chứng khoán châu Á có sự trái chiều. Trong khi chỉ số Nikkei 225 tiếp tục tăng 1,76%, thì chỉ số Hang Seng đảo chiều giảm 1,27% sau khi tăng mạnh 3,23% tuần trước và chỉ số Shanghai Composite cũng mất đảo chiều giảm mạnh 2,77% sau khi hồi phục 0,89% tuần trước.

Trong khi đó, bất chấp chứng khoán giảm mạnh, nhưng với việc đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất 2 tuần và lãi suất trái phiên tăng mạnh lên mức cao nhất 4 năm và nhiều khả năng, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới khiến giá vàng rơi mạnh trong phiên cuối tuần và đánh mất thành quả trong tuần.

Kết thúc phiên 20/4, giá vàng giao ngay giảm 10,1 USD/ounce (-0,75%), xuống 1.335,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 11,2 USD/ounce (-0,83%), xuống 1.337,6 USD/ounce.

Được cả giới phân tích và đầu tư dự báo sẽ tăng tiếp trong tuần qua do nỗi lo cuộc chiến Syria, nhưng cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp chỉ là cuộc không kích 1 lần và không lây lan xung đột với Nga, khiến giá vàng đảo chiều giảm trở lại trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giảm lần lượt 0,76% và 0,52% sau khi tăng 2 tuần liên tiếp trước đó với mức tăng tổng cộng trên dưới 1,5%.

Bất chấp điều chỉnh trở lại trong tuần qua, nhưng với những rủi ro trước mắt, giới phân tích, nhất là giới đầu tư vẫn tin tưởng vào đà tăng của giá vàng, dù mức tự tin không được như tuần trước đó.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời tuần này, có 7 người, chiếm 44% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, giảm hơn nhiều so với mức 65% của tuần trước; 6 người dự báo giảm, chiếm 43%, cao hơn nhiều so với mức 19% của tuần trước và 3 người còn lại dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 19%.

Tương tự, trong 677 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến (chưa bằng 1/3 so với tuần trước đó), có 463 người, chiếm 68% dự báo giá vàng sẽ tăng, thấp hơn rất nhiều so với con số 82% của tuần trước đó; 145 lượt người, chiếm 21% dự báo giảm, cao hơn so với mức 12% của tuần trước đó và 69 lượt người, chiếm 10% có quan điểm trung tính.

Giá dầu thô có phiên giao dịch đầy biến động trong ngày thứ Sáu.Giá dầu thô lúc đầu giảm khá mạnh khi Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter chỉ trích OPEC. Tuy nhiên, giá dầu thô sau đó đã hồi phục và đóng cửa tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 20/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,09 USD (+0,13%), lên 68,38 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,28 USD (+0,38%), lên 74,06 USD/thùng.

Sau tuần tăng mạnh hơn 8% trước đó, giá dầu thô tiếp tục tăng giá trong tuần qua, dù có một số phiên rung lắc. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,47% và giá dầu thô Brent tăng 2,04%.

Tin bài liên quan