Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Nhiều mối lo, chứng khoán lao dốc, vàng, dầu cũng giảm mạnh

(ĐTCK) Lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng như tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu dược phẩm, công nghệ sinh học, cùng nỗi lo Fed tăng lãi suất đã khiến cả chứng khoán, giá vàng và giá dầu giảm mạnh phiên đầu tuần.

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, liên tiếp các thông tin không tích cực đã khiến phố Wall chao đảo. Đầu tiên là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc với thông tin lợi nhuận của các công ty sản xuất công nghiệp của nước này giảm 8,8% trong tháng 8 so với cùng kỳ, mức giảm mạnh mạnh nhất trong 4 năm, khiến nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và năng lượng giảm mạnh.

Ngoài ra, các thành viên của đảng Dân chủ ồ ạt tấn cộng việc tăng giá thuốc đã khiến nhóm cổ phiếu dược phẩm và công nghệ sinh học tiếp tục lao dốc sau khi đã giảm mạnh tuần trước do tác động từ việc bà Hillary Clinton, ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ chỉ trích giá thuốc cao và cho biết sẽ đưa ra kế hoạch để ngăn chặn tình trạng này.

Ngoài những mối lo trên, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán và cả các thị trường hàng hóa khác còn lo lắng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Theo dữ liệu vừa công bố, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 8. Tuy nhiên, doanh số bán nhà cũ của Mỹ lại giảm, cho thấy thị trường nhà đất đang gặp chút khó khăn.

Với dữ liệu chi tiêu tiêu dùng mới được công bố, giới phân tích cho rằng, sẽ củng cố khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 10 tới sau khi trì hoãn trong cuộc họp giữa tháng 9 vừa qua do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Dow Jones giảm 312,78 điểm (-1,92%), xuống 16.001,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 49,57 điểm (-2,57%), xuống 1.881,77 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 142,53 điểm (-3,04%), xuống 4.543,97 điểm.

Tương tự, chưng skhoán châu Âu cũng có phiên lao dốc mạnh đầu tuần do bị ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu khai mỏ, bắt nguồn từ đại gia Glencore do lo ngại về nợ xấu gia tăng. Cùng với đó là cổ phiếu của nhóm ngành ô tô khi đà giảm của Volkswagen tiếp tục diễn ra sau bê bối khí thải khiến cổ phiếu này lao mạnh tuần trước.

Ngoài ra, trong một thông báo hôm thứ Hai, Morgan Stanley cho biết, đã cắt giảm dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp châu Âu năm 2015, với lý do lớn hơn những cơn gió ngược mong đợi từ các ngành hàng.

Cuối tuần qua, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde cho biết, cơ quan này có khả năng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế mới nổi.

Kết thúc phiên 28/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 150,15 (-2,46%), xuống 5.958,86 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 204,98 điểm (-2,12%), xuống 9.483,55 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 123,61 điểm (-2,76%), xuống 4.357,05 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhanh chóng giảm trở lại do hoạt động chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư sau phiên hồi phục của thị trường vào thứ Sáu tuần trước. Giới đầu tư chốt lời sớm trước hàng loạt thông tin kinh tế quan trọng của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản sắp được công bố.

Trong khi đó, dù cũng mở cửa trong sắc đỏ và chủ yếu dao động dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch đầu tuần sau dữ liệu kinh tế không tích cực, nhưng cả chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại hồi phục trở lại vào cuối phiên, đóng cửa phiên đầu tuần với sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 235,4 điểm (-1,32%), xuống 17.645,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 90,34 điểm (+0,43%), lên 21.186,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 8,41 điểm (+0,27%), lên 3.100,76 điểm.

Sau khi có tuần tăng ấn tượng, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh trong phiên giao địch đầu tuần mới dù được giới phân tích và nhà đầu tư đánh giá cao trong tuần này. Giá vàng đã không thể thể hiện được vai trò trú ẩn của mình khi hoạt động bán tháo diễn ra trên thị trường chứng khoán. Việc giá vàng giảm mạnh do giới đầu tư chốt lời để chờ đợi các thông tin kinh tế quan trọng sắp công bố và một phần đến từ lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tới.

Kết thúc phiên 28/9, giá vàng giao ngay giảm 14,2 USD (-1,24%), xuống 1.132,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 13,8 USD (-1,21%), xuống 1.131,7 USD/ounce.

Những thông tin kém tích cực từ Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ 2 thế giới cũng tác động tiêu cực đến giá dầu thô trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 28/9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,27 USD/thùng (-2,86%), xuống 44,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,26 USD (-2,66%), xuống 47,34 USD/thùng.

Tin bài liên quan