Nhân viên tự tử, doanh nghiệp Nhật Bản đối mặt sự kiểm soát khắt khe

Nhân viên tự tử, doanh nghiệp Nhật Bản đối mặt sự kiểm soát khắt khe

(ĐTCK) Tại Nhật Bản, cụm từ “karoshi” thường xuyên được nhắc đến để ám chỉ những cái chết do tình trạng làm việc quá sức gây ra. Gần đây, cái chết của một nhân viên nữ tại Dentsu – công ty thống lĩnh ngành quảng cáo tại Nhật, đã khiến giới chức Nhật Bản thực hiện những chính sách khắt khe hơn trước áp lực xã hội gia tăng từ tình trạng “karoshi”.

Matsui Takahashi, một nhân viên nữ 24 tuổi tại Dentsu đã tự tử vào đầu năm 2016 do những áp lực gây ra bởi tình trạng làm việc quá sức kéo dài.

Cái chết của cô chính là điển hình của tình trạng “karoshi” và văn hóa “cuồng làm việc” vốn không mấy xa lạ đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. 

Sau một loạt điều tra liên quan đến cái chết của Takahashi được tiến hành bởi các thanh tra lao động tại Bộ Lao động Nhật Bản; vào ngày 24/10, Dentsu đã đưa ra quy định cấm nhân viên ở lại văn phòng sau 10 giờ tối; biểu hiện bằng hành động tắt điện toàn bộ trụ sở chính tại Tokyo sau 10 giờ mỗi tối. Điều này dẫn tới tình trạng vào thời điểm kết thúc mỗi tối làm việc, cửa chính tại trụ sở của Dentsu – một tòa cao ốc 48 tầng luôn đông nghẹt các nhân viên chen nhau ra về ngay trước khi trụ sở tắt đèn.

Nhân viên tự tử, doanh nghiệp Nhật Bản đối mặt sự kiểm soát khắt khe ảnh 1

 Trụ sở công ty Dentsu bắt đầu tắt đèn lúc 10h tối

Một đại diện kinh doanh trên 30 tuổi tại Dentsu cho biết gần đây ông đã phải từ chối rất nhiều đơn hàng gấp từ phía khách hàng: “Trước đây, chúng tôi nhận hầu như tất cả các đơn hàng; nhưng hiện tại thì không do quy định không được phép làm việc đến đêm khuya nữa.”

Ông cũng tiết lộ rằng trước đây ông và nhiều người khác cũng thường xuyên phải “khai bớt” số giờ làm thêm tránh để vượt quá mức 70 giờ làm thêm mỗi tháng theo thỏa ước quản lý lao động. Số giờ làm thêm của ông trong tháng 11 vừa qua đã giảm xuống còn ít hơn 50 giờ. Không chỉ thế, ông thậm chí còn phải điều chỉnh lại lịch làm việc “dãn ra” hơn so với trước đây. 

Trước đây, dù Bộ Lao động Nhật Bản đã nhiều lần đưa ra cảnh cáo, công ty Dentsu vẫn từ chối áp dụng các biện pháp nhằm giảm tình trạng làm thêm quá sức. Và sau sự việc cuối tháng 10 vừa qua, các thanh tra Bộ Lao động đã nhanh chóng tiến hành điều tra trường hợp của Takahashi. Vào ngày 30/9/2016, 9 tháng kể từ cái chết của Takahashi, đã có kết luận từ phía thanh tra xác định cái chết của cô có liên quan đến áp lực do tình trạng làm việc quá sức kéo dài.

Bộ Lao động Nhật Bản đã nhiều lần đưa ra cảnh cáo, công ty Dentsu vẫn từ chối áp dụng các biện pháp nhằm giảm tình trạng làm thêm quá sức

2 tuần sau, vào ngày 14/10, một cuộc thanh tra ngay tại trụ sở làm việc của Dentsu đã được tiến hành. Và sau gần 1 tháng thanh tra, đến ngày 7/11, trụ sở chính của Dentsu tại Tokyo và 3 chi nhánh khác đã phải trải qua những cuộc điều tra gắt gao và đột xuất của 88 thanh tra lao động. 

Một thanh tra lao động cho biết: “Thông thường, phải vài tháng sau các cuộc thanh tra tìm kiếm thông tin thì việc điều tra mới được tiến hành”.

Theo phía Bộ Lao động, công ty Dentsu đã không ít lần vi phạm những quy phạm về lao động tương tự. Vào năm 1991, một nhân viên nam 24 tuổi sau 2 năm làm việc tại Dentsu đã tự tử cũng do nguyên nhân làm việc quá sức. Vào năm 2000, Tòa án tối cao đã buộc phía Dentsu phải chịu trách nhiệm về cái chết này. Về phía Dentsu, Công ty đã cam kết sẽ cải thiện điều kiện làm việc. Tuy nhiên, doanh nghiệp quảng cáo hàng đầu Nhật Bản này dường như đã thất bại trong việc thực hiện cam kết. 

Vào năm 2010, thanh tra Lao động đã phải vào cuộc và hướng dẫn chi nhánh Nagoya của Công ty thực hiện các công tác giảm giờ làm. Chi nhánh tại Osaka và trụ sở chính tại Tokyo cũng đã nhận được những hướng dẫn tương tự vào năm 2014 và 2015. 

Thế nhưng cái chết của Takahashi đã diễn ra chỉ 4 tháng sau khi Công ty cam kết kết thúc triệt để tình trạng làm việc quá sức. 

Mở đầu cho cuộc điều tra nhắm tới Dentsu là sự thành lập của lực lượng điều tra đặc biệt vào tháng 4/2016 tại sở Lao động Tokyo và Osaka. Lực lượng đặc biệt bao gồm những thanh tra lao động có kinh nghiệm. Đợt điều tra này được nhận định sẽ gắt gao hơn bình thường, và có thể sẽ dẫn đến những truy tố hình sự. 

Vào tháng 10 năm 2016, lần đầu tiên Bộ Lao động Nhật Bản đã xuất bản một báo cáo chính thức liên quan đến việc giảm trình trạng “karoshi”. Chính phủ Nhật cũng đang đề xuất đưa tháng 11 trở thành tháng tiến hành các chiến dịch ngăn ngừa “karoshi” hàng năm. 

Về phía Dentsu, Công ty này có thể sẽ nhận được những hình phạt nặng nề từ phía các thanh tra lao động như một tiền đề để cảnh báo các công ty khác. Cái chết của Takahashi đã dấy lên một câu hỏi về những đối pháp của chính phủ Nhật Bản với một vấn đề nghiêm trọng không chỉ diễn ra tại Dentsu. 

Vào ngày 7/11, tại thời điểm các cuộc điều tra bắt đầu diễn ra tại Công ty, Tổng giám đốc và CEO Dentsu – ông Tadashi Ishii đã đưa ra thông điệp “Xây dựng một Dentsu hoàn toàn mới” tới toàn thể nhân viên. Ông thừa nhận rằng văn hóa làm việc quá sức bắt nguồn từ truyền thống chấp nhận mọi đơn hàng của Dentsu; và tuyên bố những kế hoạch cắt giảm và phân hóa nhiệm vụ trong Công ty.

Ông cũng kêu gọi nhân viên hãy luôn cảm thấy tự hào vì sự chuyên nghiệp tại Dentsu. Thông tin này được nhiều nhân viên cho rằng còn “mơ hồ” và “thiếu tầm nhìn cụ thể”. 

Cuộc điều tra từ phía các thanh tra lao động rõ ràng đã ảnh hưởng không ít đến tình hình kinh doanh của Công ty. Một nhân viên trên 30 tuổi cho biết các cuộc nói chuyện với khách hàng gần đây đều ít nhiều diễn ra theo chiều hướng liên quan đến việc làm thêm trái quy định hay các cuộc thăm dò vào Dentsu. 

Ông cho biết: “Hình ảnh của Công ty đã bị hủy hoại, và tôi vô cùng lo lắng việc các đối thủ sẽ cướp mất khách hàng từ Dentsu”.

Nhân viên tự tử, doanh nghiệp Nhật Bản đối mặt sự kiểm soát khắt khe ảnh 2

 Các nhân viên công ty tại Nhật Bản thường làm việc quá sức với số giờ làm việc kéo dài liên tục

Tại Nhật Bản, quy định đầu tiên về vấn đề làm việc nhiều giờ đồng hồ đã được ban hành vào năm 1916. Và một thế kỷ sau đó, năm 2015 ghi nhận có tới 96 cái chết chính thức được công bố nguyên nhân là do tình trạng làm việc quá sức; ngoài ra, có 93 trường hợp tự tử khác bao gồm những lần tự tử không thành được cho rằng liên quan tới việc bị ép làm việc quá nhiều. 

Trong một hội nghị chuyên đề về “karoshi” được tổ chức bởi Bộ Lao động Nhật Bản vào ngày 9/11, bà Yukimi – mẹ của Takahashi đã đọc những lời trăn chối của cùng của con gái trong nước mắt trước mặt toàn thể 500 người tham dự: “Tạm biệt mẹ yêu kính của con. Tạm biệt. Cả cuộc đời con và cả công việc đều nặng nhọc và đớn đau vô cùng”. 

Bà muốn nhìn thấy những nỗ lực từ phía các công ty Nhật Bản trong việc hiểu được bài học từ cái chết ngang trái của con gái bà và thay đổi cách làm việc. Bởi lẽ, “không có công việc nào quan trọng hơn cuộc đời của một con người”.

Tin bài liên quan