Nhận tin tốt, chứng khoán đồng loạt tăng trở lại

Nhận tin tốt, chứng khoán đồng loạt tăng trở lại

(ĐTCK) Thông tin tích cực về việc Deustche Bank đã đạt được thỏa thuận với giới chức Mỹ về việc giảm số tiền phạt trong vụ chứng khoán thế chấp đã giúp chứng khoán đồng loạt hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần, đẩy giá vàng giảm khá mạnh.

Theo thông tin của AP, Deustche Bank đã đạt được thỏa thuận với giới chức Mỹ để giảm số tiền phạt liên quan đến chứng khoán thế chấp xuống mức 5,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 14 tỷ USD đưa ra trước đó đã giúp tâm lý giới đầu tư vững tâm trở lại sau phiên bán tháo mạnh do lo ngại về sức khỏe của ngân hàng Đức.

Thông tin tích cực này giúp phố Wall hồi phục khá tốt trong phiên cuối tuần, lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên thứ Năm (29/9).

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Dow Jones tăng 164,7 điểm (+0,91%), lên 18.308,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,14 điểm (+0,80%), lên 2.168,27 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 42,85 điểm (+0,81%), lên 5.312,00 điểm.

Nhờ phiên hồi phục cuối tuần, phố Wall có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,26%, chỉ số S&P 500 tăng 0,17% và chỉ số Nasdaq tăng 0,12%.

Dù có 3 tuần tăng liên tiếp, nhưng chốt tháng 9, Dow Jones vẫn giảm 0,5%, chỉ số S&P 500 giảm 0,12%, trong khi Nasdaq tăng 1,89%.

Chứng khoán châu Âu cũng rung lắc trong phiên cuối tuần, tuy nhiên thông tin Deutsche Bank đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Mỹ để giảm số tiền phạt trong vụ chứng khoán thế chấp đã kích hoạt cổ phiếu này tăng mạnh 6,4%, giúp chỉ số DAX bật hơn 1% trong phiên cuối tuần, trong khi chứng khoán Anh vẫn giảm nhẹ và chứng khoán Pháp chỉ đủ sức có sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,09 điểm (-0,29%), xuống 6.899,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 105,48 điểm (+1,01%), lên 10.511,02 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 4,42 điểm (+0,10%), lên 4.448,26 điểm.

Khác với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại không duy trì được đà tăng của tuần trước, dù chứng khoán Đức có phiên hồi mạnh cuối tuần. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 0,15%, chỉ số DAX giảm 1,09% và chỉ số CAC 40 giảm 0,9%.

Trong tháng 9, chỉ số FTSE 100 tăng 1,68%, trong khi chỉ số DAX giảm 0,93% và chỉ số CAC 40 giảm nhẹ 0,03%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, nỗi lo liên quan đến Deutsche Bank đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiếu tài chính, khiến chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh gần 1,5% trong phiên cuối tuần, trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên giảm mạnh nhất trong hơn 2 tuần.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 243,87 điểm (-1,46%), xuống 16.449,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 442,32 điểm (-1,86%), xuống 23.297,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,03 điểm (+0,23%), lên 3.005,51 điểm.

Sau tuần hồi phục tốt trước đó, chứng khoán châu Á đã đồng loạt giảm trở lại trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,82%, chỉ số Hang Seng giảm 1,64% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,93%.

Trong tháng 9, chỉ số Nikkei 225 giảm tới 2,59%, chỉ số Shanghai Composite cũng mất 2,59%, trong khi chỉ số Hang Seng tăng 1,39%.

Thông tin tích cực liên quan đến vụ Deustche Bank giúp chứng khoán hồi phục mạnh, trong khi lại lấy đi sự hấp dẫn của vàng, khiến giá kim loại quý này giảm trong phiên cuối tuần và đánh dấu tuần điều chỉnh sau khi tăng mạnh trước đó.  

Kết thúc phiên 30/9, giá vàng giao ngay giảm 4 USD (-0,3%), xuống 1.315,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 7,2 USD (-0,54%), xuống 1.318,8 USD/ounce.

Sau khi tăng mạnh hơn 2% trong tuần trước đó nhờ quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed, giá vàng tuần qua đã đảo chiều giảm trở lại. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1,59% và giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,66%.

Dù giảm trong tuần cuối cùng của tháng, nhưng chốt tháng 9, giá vàng vẫn tăng nhẹ, trong đó giá vàng giao ngay tăng 0,57%, giá vàng tương lai tăng 0,56%.

Tuần giảm cuối tháng 9 khiến giới phân tích có cái nhìn thận trọng với xu hướng của giá vàng trong tuần mới. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Kitco, trong 20 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 10 người, chiếm tới 50% cho rằng giá vàng sẽ đi ngang tuần này, trong khi có 9 người dự báo giá vàng sẽ tăng và 1 người, chiếm 5% dự báo giá vàng sẽ giảm.

Trong khi đó, trong số 542 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, mức thấp nhất kể từ tháng Giêng, có 310 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, trong khi có 166 người, chiếm 31% dự báo giảm và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 66 người, chiếm 12%.

Giá dầu thô giao dịch ổn định trong phiên cuối tuần sau khi có chuỗi phiên tăng mạnh trước đó trước thông tin OPEC đạt được thỏa thuận giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Kết thúc phiên 30/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,41 USD/thùng (+0,85%), lên 48,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,18 USD (-0,37%), xuống 49,06 USD/thùng.

Thông tin tích cực về thỏa thuận giảm sản lượng của các nước OPEC đã giúp giá dầu có tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp với đà tăng trong tuần qua gấp 2 lần tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 8,45%, giá dầu thô Brent tăng 6,91%.

Nhờ 2 tuần tăng mạnh, giá dầu thô đã có tháng tăng giá tốt trong tháng 9. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ tăng 7,92%, giá dầu thô Brent tăng 4,29%.

Tin bài liên quan