Nhận tin tích cực, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt khởi sắc

Nhận tin tích cực, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt khởi sắc

(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong phiên thứ Tư, giúp phố Wall đảo chiều ngoạn mục và giúp chứng khoán châu Âu hãm bớt đà rơi.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong phiên thứ Tư, giúp phố Wall đảo chiều ngoạn mục và giúp chứng khoán châu Âu hãm bớt đà rơi.

Sau phiên giảm mạnh trước đó do nhóm cổ phiếu công nghệ, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt phục hồi, lấy lại gần như hết những gì đã mất trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Nhóm cổ phiếu dòng bank tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Tư sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chấp thuận kế hoạch sử dụng thêm tiền để mua cổ phiếu và trả cổ tức từ 34 ngân hàng lớn của Mỹ. Trong phiên thứ Tư, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 1,6%, mức tăng mạnh nhất trong các nhóm ngành.

Không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu công nghệ sau thời gian bị bán mạnh, cũng đã hồi phục trở lại, bật tăng hơn 1,3% trong phiên thứ Tư, giúp Nasdaq đảo chiều và có phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 7/11/2016.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Dow Jones tăng 143,95 điểm (+0,68%), lên 21.454,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,31 điểm (+0,88%), lên 2.440,69 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 87,79 điểm (+1,43%), lên 6.234,41 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù nhóm cổ phiếu ngân hàng có ngày tăng thứ 3 liên tiếp, nhưng không thể hỗ trợ thị trường khu vực lấy lại được sắc xanh khi bị ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu công nghệ.

Nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường châu Âu giảm khá mạnh trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng từ sự sụt giảm trong phiên thứ Ba của những người đồng nghiệp trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ngay cả thông tin xuất hiện thêm virus tống tiền mới, nhóm cổ phiếu các công ty chống virus vẫn giảm giá.

Ngoài ra, việc đồng euro và bảng Anh tăng mạnh so với đồng USD sau tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ của ECB và Ngân hàng Trung ương Anh cũng gây áp lực lên thị trường chứng khoán khu vực này.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,56 điểm (-0,63%), xuống 7.387,80 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 23,75 điểm (-0,19%), xuống 12.647,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 5,68 điểm (-0,11%), xuống 5.252,90 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ sự sụt giảm mạnh trước đó của chứng khoán Âu, Mỹ, nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ, khiến những người đồng nghiệp trên thị trường chứng khoán giảm theo, kéo chứng khoán Nhật Bản đảo chiều.

Chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên giảm mạnh nhất 2 tuần khi giới đầu tư đua nhau bán các cổ phiếu penny, còn chứng khoán Trung Quốc cũng hết hào hứng với thông tin được MSCI đưa vào rổ chỉ số thị trường mới nổi.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 94,68 điểm (-0,47%), xuống 20.130,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 156,49 điểm (-0,61%), xuống 25.683,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,00 điểm (-0,56%), xuống 3.137,20 điểm.

Sự sụt giảm của đồng USD tiếp tục ủng hộ cho giá vàng, nhưng những mối lo không còn khiến sự hấp dẫn của kim loại quý này cũng giảm bớt, nên đà tăng của giá vàng chỉ ở mức khiêm tốn, giống phiên trước đó.

Kết thúc phiên 28/6, giá vàng giao ngay tăng 2,1 USD (+0,17%), lên 1.248,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 2,2 USD/ounce (+0,18%), lên 1.249,1 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng phiên thứ 5 liên tiếp, lên mức cao nhất 1 tuần trong phiên thứ Tư khi nhận được thông tin hỗ trợ về sản lượng sản xuất của Mỹ giảm. Trước đó, giá dầu thô điều chỉnh giảm trong phiên sau thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ tăng.

Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố, các kho dự trữ của Mỹ tuần trước tăng 118.000 thùng, trong khi sản lượng giảm 100.000 thùng/ngày, xuống còn 9,3 triệu thùng/ngày. Đây là sự sụt giảm về sản lượng sản xuất hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 7/2016.

Kết thúc phiên 28/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,50 USD/thùng (+1,12%), lên 44,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,66 USD (+1,40%), lên 47,31 USD/thùng. 

Tin bài liên quan