Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Nhận tin hỗ trợ, chứng khoán tiếp tục tăng mạnh

(ĐTCK) Thông tin tích cực từ các ngân hàng trung tương, từ châu Âu đến Trung Quốc giúp chứng khoán duy trì đà tăng mạnh, trong khi giá vàng tiếp tục điều chỉnh nhẹ.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, phố Wall tiếp tục có phiên khởi sắc nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ sau kết quả kinh doanh khả quan của Alphabet, Microsoft, Amazon được công bố trước đó và dự kiến kinh doanh khả quan của Apple sẽ được công bố trong tuần tới.

Ngoài ra, thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm lãi suất và trước đó là tuyên bố của Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về khả năng ECB sẽ mở rộng chương trình mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế khu vực cũng đã nhanh chóng tác động mạnh tới các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Những động thái trên của ECB và PBOC sẽ gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoãn kế hoạch tăng lãi suất của mình. Đây chính là các lý do giúp các thị trường từ Á, sang Âu và cả Mỹ tăng mạnh.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Dow Jones tăng 157,54 điểm (+0,9%), lên 17.646,7 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,64 điểm (+1,1%), lên 2.075,15 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 111,81 điểm (+2,27%), lên 5.031,86 điểm.

Với 2 phiên tăng mạnh cuối tuần, phố Wall đã có một tuần tăng điểm ấn tượng với chỉ số Dow Jones tăng 2,5%, chỉ số S&P 500 tăng 2,07% và chỉ số Nasdaq tăng 2,97%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng mạnh với các thông tin về nới lỏng chính sách tiền tệ của PBOC và gói kích thích từ ECB.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 67,8 điểm (+1,06%), lên 6.444,08 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 302,57 điểm (+2,88%), lên 10.794,54 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 121,46 điểm (+2,53%), lên 4.923,64 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,04%, trong khi chỉ số DAX tăng tới 6,83% và chỉ số CAC 40 cũng tăng 4,7%.

Cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, thông điệp từ ECB và sau đó là hành động của PBOC đã giúp chứng khoán châu Á có phiên tăng vọt cuối tuần. Ngoài ra, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyên thăm Vương Quốc Anh khẳng định nền kinh tế Trung Quốc không hạ cánh cứng, dù có gặp những áp lực nhất định, giúp giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục hứng khởi.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 389,43 điểm (+2,11%), lên 18.825,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 306,57 điểm (+1,34%), lên 23.151,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 43,69 điểm (+1,3%), lên 3.412,43 điểm.

Chốt tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,92%, chỉ số Hang Seng nhờ phiên tăng cuối tuần đã có mức tăng nhẹ 0,37% trong tuần và chỉ số Shanghai Composite cũng có mức tăng nhẹ 0,62%.

Dù chứng khoán khởi sắc với thông tin Trung Quốc giảm lãi suất và khả năng Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp tuần sau.

Kết thúc phiên 23/10, giá vàng giao ngay giảm 1,9 USD (-0,16%), xuống 1.164,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,1 USD (-0,18%), xuống 1.164,0 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,16% và giá vàng tương lai giao tháng 12 cũng giảm 1,11%.

Tuần này, trong số 235 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, có 128 người, tương đương 54% cho rằng vàng sẽ tăng giá trong tuần tới, có 71 người, tương đương 30% dự đoán giá vàng sẽ vẫn giảm và 36 người, chiếm 15% giữ quan điểm trung tính.

Còn theo cuộc khảo sát của các chuyên gia. Trong số 35 chuyên gia được hỏi, có 18 người trả lời, trong đó có 8, tương đương 57% nhận định giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 6 chuyên gia, chiếm 44% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 4 người, chiếm 22% giữ quan điểm trung lập.

Tuần tới, nhà đầu tư sẽ hướng về cuộc họp chính sách của Fed và nhiều dự đoán cho rằng, Fed sẽ không đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp này. Ngoài ra, giới đầu tư cũng hướng tới cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Cũng giống thị trường vàng, giá dầu cũng bỏ qua thông tin Trung Quốc giảm lãi suất để quay đầu giảm trở lại, xóa hết những gì đã có được trong phiên trước đó do áp lực từ đồng USD tăng. Trong đó, giá dầu thô Mỹ giảm mạnh hơn do áp lực từ sự gia tăng trong kho dự trữ dầu của Mỹ.

Kết thúc phiên 23/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,78 USD/thùng (-1,75%), xuống 44,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,09 USD (-0,19%), lên 47,99 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm tới 5,62%, trong khi giá dầu thô Brent chỉ giảm 1,52%.

Tin bài liên quan