Sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm thứ Tư, đà tăng của phố Wall đã nhanh chóng trở lại trong phiên thứ Năm khi kết quả kinh doanh quý II của một số tập đoàn lớn được công bố khả quan, như eBay, Netflix, Google, trong đó cổ phiếu của Google tăng tới 13% sau báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, thông tin khả quan từ bên kia bờ Đại Tây Dương cũng giúp giới đầu tư phố Wall bớt đi nỗi lo để tích cực mua vào.
Với các thông tin tích cực trên, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã có phiên tăng khá tốt, đặc biệt là Nasdaq với mức tăng gần 1,3% và thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.
Kết thúc phiên 16/7, chỉ số Dow Jones tăng 70,08 điểm (+0,39%), lên 18.120,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,89 điểm (+0,80%), lên 2.124,29 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 64,24 điểm (+1,26%), lên 5.163,18 điểm.
Sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu thông qua các biện pháp cải cách khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng bắt đầu mở lại chương trình cứu trợ của mình cho các ngân hàng Hy Lạp và các ngân hàng này sẽ được mở cửa trở lại trong tuần tới sau 2 tuần đóng cửa để tránh rơi vào khủng hoảng.
Thông tin tích cực trên đã giúp chứng khoán châu Âu nối dài mạnh tăng điểm của mình lên con số 6, các chỉ số chính của khu vực tăng lên mức cao nhất 6 tuần trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 16/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 42,70 (+0,63%), lên 6.796,45 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 177,10 điểm (+1,53%), lên 11.716,76 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 74,26 điểm (+1,47%), lên 5.121,50 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, vấn đề Hy Lạp được tháo gỡ giúp chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng. Mức tăng của chỉ số Nikkei 225 mạnh hơn phiên trước rất nhiều và leo lên mức cao nhất gần 3 tuần sau phát biểu của bà Yellen, giúp đồng yên giảm mạnh so với đồng USD, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản và tác động tích cực lên thị trường chứng khoán nước này.
Trong khi đó, cũng nhờ thông tin tích cực từ châu Âu và chứng khoán đại lục, chứng khoán Hồng Kông đã hồi phục trở lại sau 2 phiên giảm điểm liên tiếp. Chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đầy biến động. Tuy nhiên, nhìn chung, tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn rất thận trọng, dù Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp can thiệp mạnh tay để tránh hiện tượng bán tháo.
Kết thúc phiên 16/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 136,79 điểm (+0,67%), lên 20.600,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 107,02 điểm (+0,43%), lên 25.162,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 17,47 điểm (+0,46%), lên 3.823,18 điểm.
Trong khi chứng khoán lên đỉnh, thì giá vàng lại liên tiếp xuyên thủng các đáy của mình. Trong phiên thứ Năm, giá vàng tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp nhất 8 tháng. Vấn đề của Hy Lạp được giải quyết, cũng như đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm vai trò trú ẩn an toàn của vàng. Bên cạnh đó, sau phát biểu của bà Jannet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trước lưỡng viện của Mỹ đã khiến đồng USD tăng mạnh và gây sức ép lên giá vàng.
Kết thúc phiên 16/7, giá vàng giao ngay giảm 4,3 USD (-0,37%), xuống 1.144,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 3,5 USD/ounce (-0,31%), xuống 1.143,9 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Mỹ vẫn tiếp tục giảm giá sau thông tin về thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Iran và kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng trong tuần trước. Trong khi đó, thông tin về một mở dầu tại Anh dừng sản xuất, cũng như hợp đồng giao tháng 8 sắp hết hạn giúp giá dầu thô Brent hồi phục nhẹ trở lại.
Kết thúc phiên 16/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,5 USD/thùng (-0,98%), xuống 50,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,46 USD (+0,80%), lên 57,51 USD/thùng.