Nhân dân tệ giảm giá mới là cơn ác mộng thực sự của châu Á

Nhân dân tệ giảm giá mới là cơn ác mộng thực sự của châu Á

(ĐTCK) Các chuyên gia kinh tế khẳng định việc đồng nhân dân tệ giảm giá mới chính là cơn khủng hoảng thực sự của châu Á, không phải mối lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như suy nghĩ của nhiều người.

Mặc dù đến ngày 20/01/2017 mới tuyên thệ nhậm chức nhưng trước đó, tổng thống Trump đã lên tiếng nên đưa Trung Quốc vào danh sách những quốc gia thao túng tiền tệ và đề xuất sẽ đặt mức thuế 45% với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế, chưa cần phải lo lắng nhiều về những ảnh hưởng từ các phát ngôn trong chiến dịch bầu cử của ông Trump tới hình hình thương mại tại châu Á. 

Sitao Xu, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Deloitte nhận định: “Phía Mỹ hiểu rằng Trung Quốc không dễ khuất phục như Mexico. Cả hai phía có thể đều sẽ tương đối thận trọng nếu đã tính đến những hành động trả đũa. Mối quan tâm chủ yếu trong năm 2017 sẽ liên quan tới các ma sát thương mại hơn là cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia”.

Nhân dân tệ giảm giá mới là cơn ác mộng thực sự của châu Á ảnh 1

 Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump có nhiều phát ngôn gây ra lo ngại đối với kinh tế Trung Quốc

Theo các chuyên gia tại Deloitte, việc sụt giảm giá trị của đồng nhân dân tệ mới thực sự là nguyên nhân gây nên sự bất ổn định của châu Á trong thời gian tới.

Phía Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức xuất phát từ nội bộ và rất có thể nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ khiến chính quyền Trung Quốc chọn cách hạ giá đồng nhân dân tệ để làm động lực gia tăng xuất khẩu. 

Các chuyên gia nhận định rằng, phía Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (BPoC) vẫn đang kiểm soát chặt chẽ dòng vốn thoát khỏi quốc gia này nên đồng nhân dân tệ sẽ không thể giảm quá 5 - 7% so với đồng USD và sẽ giữ ở mức 7,2 cho đến 7,3 nhân dân tệ đổi lấy 1 USD trong năm 2017. Nhưng nếu đồng nhân dân tệ giảm tới mức 10%, toàn khu vực châu Á sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể hơn, đồng tiền của các nước châu Á khác cũng sẽ theo đó bị giảm giá trị, khiến cho các nhà xuất khẩu hàng hóa tại Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia phải chịu không ít tổn thất. 

Tuy nhiên, ông Xu cũng cho biết, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á nhìn chung cũng đã chuẩn bị cho những cú sốc tiền tệ này vì hầu hết các nước đều đang có thặng dư tài khoản vãng lai.

Ông cũng khẳng định: “Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể sẽ không thể dự đoán trước được và cần tới sự theo dõi chặt chẽ trong năm 2017”.

Ngoài ra, các kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng đang giảm dần. Trung Quốc hiện tại đang nắm giữ lượng ngoại tệ tương đương 3 nghìn tỷ USD – sụt giảm đáng kể so với con số 4 nghìn tỷ USD tại thời điểm năm 2014.

Nhân dân tệ giảm giá mới là cơn ác mộng thực sự của châu Á ảnh 2

 Trung Quốc có thể tiếp tục hạ giá nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu

Giới chức Trung Quốc đã và đang rút dần các kho dự trữ này nhằm ổn định tỷ giá trao đổi đồng nhân dân tệ khi dòng vốn tháo chạy khỏi quốc gia này trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại và lãi suất USD được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.  

Mặc dù vậy, chuyên gia Xu tại Deloitte cho rằng, chưa cần quá lo lắng về tình hình hiện tại. Ông nhận định khoản tiền 3 nghìn tỷ USD trong quỹ dự trữ ngoại hối vẫn dư dả để hỗ trợ các hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc trong 16 đến 18 tháng tới.

Ông ước tính các khoản nợ USD của Trung Quốc rơi vào khoảng 700 tỷ USD. Khoản nợ này được đánh giá là không đáng kể so với giá trị 10 nghìn tỷ USD của nền kinh tế Trung Quốc. 

Standard & Poor's dự đoán tình trạng giảm dần quỹ dự trữ, tụt giá đồng nhân dân tệ và các biện pháp kiểm soát đồng vốn chặt chẽ hơn sẽ làm ảnh hưởng tới mục tiêu dài dạn của Trung Quốc là biến đồng nhân dân tệ trở thành “đồng tiền quốc tế”.

Tin bài liên quan