Nhà đầu tư Trung Quốc chùn bước trước thị trường Mỹ

Nhà đầu tư Trung Quốc chùn bước trước thị trường Mỹ

(ĐTCK) Những căng thẳng leo thang trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tỏa bóng đen lên lĩnh vực đầu tư xuyên biên giới, với rất nhiều nhà đầu tư Đại lục lặng lẽ từ bỏ các thương vụ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà đầu tư Trung Quốc mới chỉ cam kết 3,1 tỷ USD đầu tư vào các tài sản tại Mỹ trong nửa đầu năm nay, giảm hơn 60% so với tổng giá trị các thương vụ được công bố cùng kỳ năm 2017, theo Dealogic. Hãng nghiên cứu này cho biết thêm, các giao dịch liên quan tới công nghệ bị thiệt hại nặng nhất, khi tiền đầu tư từ Đại lục giảm hơn 72% so với cùng thời gian năm ngoái, xuống chỉ còn 344 triệu USD kể từ đầu năm tới nay.

“Chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo tác động lớn tới hoạt động đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Mỹ tại các lĩnh vực cơ bản hoặc công nghệ cao”, Guo Wei, người sáng lập UpHonest Capital, hãng đầu tư mạo hiểm xuyên biên giới thường huy động tiền đầu tư từ Trung Quốc nói và cho biết thêm, nhà đầu tư Đại lục ngày càng lo lắng về các bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại và giới chức Mỹ trở nên “khó tính” hơn.

Cải tổ CFIUS

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhắc lại các cáo buộc Trung Quốc đã thực hiện giao dịch thương mại không công bằng với Mỹ, đồng thời có hành động ăn cắp tài sản trí tuệ. Với quan điểm này, các nhà làm luật Hoa Kỳ đã vừa thông qua chính sách gia tăng quyền lực cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS), cơ quan nắm giữ nghiệm vụ rà soát, đảm bảo các hoạt động đầu tư có liên quan tới khối ngoại sẽ không gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Cụ thể, CFIUS sẽ có quyền mở rộng hoạt động kiểm tra đối với mọi khoản đầu tư dù có giá trị thấp, tại các lĩnh vực công nghệ và hạ tầng mang tính quyết định. Thậm chí, việc trao quyền thắt chặt hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cho hội đồng chuyên gia của Tổng thống Donald Trump cũng đang được thảo luận.

Tin tức về kế hoạch này ngay lập tức khiến các thành viên thị trường bất an, bởi hành động này sẽ khiến dòng tiền đầu tư giữa 2 quốc gia bị kìm kẹp và nhanh chóng sụt giảm.

Nhà đầu tư quay đầu

Trong tháng 1/2018, Ant Financial, công ty con đảm nhận nhiệm vụ thanh toán của Alibaba đã phải từ bỏ thương vụ trị giá 1,2 tỷ USD mua lại Moneygram – công ty dịch vụ chuyển tiền. Nguyên nhân là CFIUS không chấp thuận thương vụ này với lý do có nhiều mối quan ngại về thông tin cá nhân của công dân Mỹ do Moneygram đang nắm giữ.

Đây là bước lùi không hề mong muốn đối với tỷ phú Jack Ma, ông chủ của Alibaba, người đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Trump cách đây 1 năm với lời hứa tạo thêm 1 triệu việc làm tại Mỹ trong 5 năm tới. Thực tế, trong năm ngoái, Alibaba chỉ công bố 3 thương vụ đầu tư công nghệ tại Mỹ, mức thấp nhất trong 5 năm qua, theo CB Insight.

Tương tự, các động thái đầu tư của Tencent trong thời gian gần đây cũng theo chiều hướng đi xuống. Kể từ đầu năm 2018 tới nay, Tencent đã đưa ra thông tin về 3 thương vụ đầu tư tại lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ tại Mỹ, với tổng giá trị 105 triệu USD – con số không lấy làm ấn tượng, theo Dealogic.

Paul Triolo, người đứng đầu lĩnh vực công nghệ tại hãng tư vấn Eurasia Group nhận định, các hoạt động đầu tư sẽ khó có sự cải thiện trong ngắn hạn. Nhiều khả năng, tình hình không lạc quan hơn cho tới năm 2019, hoặc ít nhất là sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ diễn ra vào tháng 11/2018.

Tất nhiên, không phải mọi thường vụ đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ đều bị cấm cửa. Trong tháng 6, CFIUS đã chấp thuận cho China Oceanwide Group chi 2,7 tỷ USD mua lại hãng bảo hiểm Genworth Financial. Để thương vụ được “bật đèn xanh”, Genworth cho biết, Công ty sẽ sử dụng một bên thứ ba là doanh nghiệp Mỹ quản lý dữ liệu, thông tin của các khách hàng là công dân Hoa Kỳ.

Tin bài liên quan