Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Nhà đầu tư thấp thỏm chờ cuộc họp của Fed

(ĐTCK) Sau những phiên bùng nổ cuối tuần trước nhờ thông tin Trung Quốc giảm lãi suất và ECB có thể mở rộng gói kích thích kinh tế, chứng khoán toàn cầu lình xình trở lại trong phiên đầu tuần moưí khi giới đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed và BOJ.

Theo dữ liệu Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố đầu tuần, tốc độ bán nhà mới trong tháng 9 giảm 11,5% sau khi có 2 tháng tăng liên tiếp trước đó, xuống 468.000 đơn vị, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2014. Tốc độ bán hàng trong tháng 8 cũng được điều chỉnh xuống 529.000 đơn vị, từ con số công bố ban đầu là 552.000 đơn vị.

Ngoài doanh số bán nhà mới, các chỉ tiêu khác của thị trường nhà ở được công bố trước đó vẫn khá tích cực, cho thấy chưa có gì phải lo lắng về thị trường nhà ở, nhất là khi doanh số bán nhà mới chỉ chiếm tỷ trọng 7,8% trong thị trường nhà ở.

Tuy nhiên, dữ liệu vừa công bố cũng khiến nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng chịu tác động tiêu cực trong phiên đầu tuần mới. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu năng lượng tiếp tục giảm do ảnh hưởng của giá dầu đã góp phẩn khiến phố Wall đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới sau tuần tăng ấn tượng vừa qua.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn trước cuộc họp chinh sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ diễn ra trong tuần này cũng khiến phố Wall chủ yếu là lình xình trong phiên đầu tuần.

Có khoảng 170 công ty trong chỉ số S&P 500 dự kiến sẽ báo cáo lợi nhuận trong tuần này, bao gồm cả Apple Inc vào thứ Ba.

Dư liệu của Thomson Reuters cho thấy, lợi nhuận quý III dự kiến sẽ giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện hơn so với mức giảm 4,2% được đưa ra hồi đầu tháng.

Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Dow Jones giảm 13,65 điểm (-0,13%), xuống 17.623,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,97 điểm (-0,19%), xuống 2.071,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,84 điểm (+0,06%), lên 5.034,7 điểm.

Tương  tự phố Wall, sau khi thông tin Trung Quốc lãi suất giảm lãi suất, hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể mở rộng gói kích thích kinh tế được hấp thụ hết, thị trường đã thận trọng trở lại để chờ đợi cuộc họp của Fed và BOJ.

Trong đó, sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu năng lượng đã khiến các chỉ số chủ yếu đóng cửa trong sắc đó, ngoại trừ chỉ số DAX tại Đức đảo chiều thành công nhờ niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Đức giảm ít hơn dự báo trong tháng 10.

Kết thúc phiên 26/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 27,06 điểm (-0,42%), xuống 6.417,02 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 6,8 điểm (+0,06%), lên 10.801,34 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 26,51 điểm (-0,54%), xuống 4.897,13 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 2 tháng sau thông tin Trung Quốc cắt giảm lãi suất và lợi nhuận quý III của Hitachi Ltd và Panasonic Corp vừa công bố vượt dự báo. Chứng khoán Trung Quốc cũng duy trì đà tăng, dù gặp rung lắc mạnh trong phiên, trong khi chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm nhẹ trở lại.

Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 121,82 điểm (+0,65%), lên 18.947,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 35,69 điểm (-0,15%), xuống 23.116,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 17,15 điểm (+0,50%), lên 3.429,58 điểm.

Tương tự chứng khoán, trên thị trường vàng, giá kim loại quý này cũng chủ yếu lình xình trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư đang chờ đợi các cuộc họp chính sách quan trọng trong tuần.

Kết thúc phiên 26/10, giá vàng giao ngay giảm 1,1 USD (-0,09%), xuống 1.162,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,2 USD (+0,19%), lên 1.166,2 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu tiếp tục giảm trong phiên đầu tuần khi nỗi lo dư cung lại càng tăng thêm khi thời tiết mùa Đông năm nay được dự báo sẽ ấm áp.

Kết thúc phiên 26/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,62 USD/thùng (-1,41%), xuống 43,98 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,45 USD (-0,95%), xuống 47,54 USD/thùng.

Tin bài liên quan