Đồng USD đã giảm giá 11% so với rổ gồm 10 đồng tiền hàng đầu trong năm 2017. Đà giảm này tiếp tục nối dài khi ngày 24/1 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin “thả bom” vào thị trường bằng bài phát biểu cho rằng, ông cảm thấy hài lòng khi đồng USD yếu đi, bởi diễn biến này tạo lợi thế về thương mại.
Cho tới thời điểm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa có phát biểu gì mới về diễn biến của đồng nội tệ, tuy nhiên, trước đó, vào tháng 4/2017, ông Trump từng nhận định “đồng USD đang quá mạnh” và điều này khiến hàng hóa của Mỹ kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu.
Trong khi chính quyền của Tổng thống Trump ủng hộ đà giảm giá của USD, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, ngay cả trong nội bộ nước Mỹ, đây có thể là một sai lầm. Thực tế, đồng đô-la yếu mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ khi giúp hàng hóa của họ rẻ hơn so với các công ty nước ngoài, từ đó hỗ trợ bán hàng và xuất khẩu. Tuy nhiên, sức mạnh của đồng USD trong mối quan hệ với các đồng tiền khác là một trong những chỉ báo tin cậy đối với lạm phát kỳ vọng và con số này đang tăng lên gần đây.
Mức lạm phát kỳ vọng gắn với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng từ mức 1,7% trong tháng 7 lên hơn 2% trong tháng 1/2018, vừa bằng con số mục tiêu mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Nếu đồng USD tiếp tục giảm giá thì lạm phát có thể tăng vọt và khiến Fed phải lo ngại. Chưa kể, nhà đầu tư cũng sẽ phân vân khi lạm phát lớn ảnh hưởng tới giá trị của các loại tài sản đầu tư.
“Đồng USD yếu đi trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, lạm phát tăng cao không phải là sự kết hợp mà các thị trường tài chính mong đợi”, Jim Paulsen, chiến lược gia tại The Leuthold Group cho biết.
Nỗi lo lắng của các nhà đầu tư tại thị trường tiền tệ nói riêng và của các thị trường tài chính khác nói chung về việc bộ máy chính quyền của ông Trump có tiếp tục hạ thấp hơn nữa giá của đồng USD hay không cũng tương tự như mối bận tâm về vấn đề thuế. Theo đó, hạ thấp các mức thuế có thể cổ vũ phát triển kinh tế trong ngắn hạn. Nhưng khi nền kinh tế đang hồi phục mạnh, hạ thuế có thể gây tăng trưởng nóng, lãi suất bị đẩy lên cao.
Tương tự với đồng USD, đồng tiền giảm giá khi nền kinh tế èo uột có thể mang lại lợi ích, thúc đẩy nhu cầu tại thị trường nước ngoài với hàng hóa Mỹ. Nhưng nếu nền kinh tế đang gần mức công suất tối đa, việc chạy theo nhu cầu tại hải ngoại, hạ thấp hơn nữa giá trị của đồng USD có thể dẫn tới giá cả hàng hóa tăng chóng mặt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện tin rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng yếu ớt và tỷ lệ người thất nghiệp cao hơn các con số được công bố. Đây là lý do ông Trump tiến hành giảm thuế và nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang được cổ vũ bởi giảm thuế, việc sử dụng thêm một đòn bẩy khác như hạ giá đồng nội tệ có thể là quá nhiều.
Bên cạnh đó, theo Jim Paulsen, chính quyền của ông Trump không cần phải “nhúng tay vào”, bởi đồng USD vẫn đang tự theo đà đi xuống. Giá trị của đồng tiền thường gắn liền với sức mạnh tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Và dù hiện tại kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, nhưng nền kinh tế toàn cầu còn tăng nhanh hơn. Do đó, việc đồng USD giảm giá không có gì khó hiểu.