Nhà đầu tư giận dữ, CEO Coca-Cola bị cắt 42% lương

Nhà đầu tư giận dữ, CEO Coca-Cola bị cắt 42% lương

(ĐTCK) Coca-Cola đã giảm 42% lương của CEO Muhtar Kent trong năm 2015, sau khi thông qua việc thay đổi phương án bồi thường trước sự giận dữ của các nhà đầu tư.

Theo công bố mới đây của Coca-Cola, mức lương của ông Kent trong năm 2015 giảm xuống 14,6 triệu USD, từ 25,2 triệu USD của năm trước đó. Động thái này diễn ra sau khi 17% cổ đông của Coca-Cola không ủng hộ kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu theo đề xuất mới của Tập đoàn.

Các cổ đông này cho rằng kế hoạch này sẽ làm pha loãng giá trị cổ phiếu của Coca-Cola, tập đoàn hiện đang có giá trị thị trường lên tới 195,09 tỷ USD. Coca-cola cũng đưa ra những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn nhằm xoa dịu sự lo ngại của các nhà đầu tư khi cổ phần của họ bị pha loãng.

"Chúng tôi đã cập nhật lại các chương trình hoạt động nhằm phản ánh lại sự tập trung của Công ty vào các mục tiêu hàng đầu. Năm 2015 là giai đoạn chuyển tiếp của Coca-Cola. Năm 2016, chúng tôi sẽ cố gắng để không làm các nhà đầu tư thất vọng", Mel Lagomasino, Chủ tịch Uỷ ban bồi thường đã viết trên blog của Tập đoàn như vậy.

Vào năm ngoái, hãng nước ngọt hàng đầu thế giới này đã tung ra thị trường những sản phẩm được đóng chai với kích cỡ nhỏ hơn nhằm chống lại đà suy giảm sản lượng tiêu thụ khi người tiêu dùng Mỹ và các thị trường chủ đạo khác ngày càng có ý thức bảo vệ sức khỏe. CEO Kent cũng quyết định cắt giảm 3 tỷ USD các chi phí không cần thiết và nhượng quyền sản xuất các nhà máy đóng chai cho các nhà khai thác thương mại khác.

Ahmet Muhtar Kent sinh năm 1952, là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ông được sinh ra tại New York, khi cha ông, một nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ được cử sang làm việc tại đây. Sau khi hoàn tất trung học tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1971, Muhtar Kent sang Anh để theo học Đại học Hull và tiếp đó, ông đã lấy bằng MBA tại Cass Business School, London.

Muhtar Kent bắt đầu làm việc tại chi nhánh của Coca-Cola ở Thổ Nhĩ Kỳ nhờ đọc một mẩu quảng cáo trên báo của hãng này vào năm 1978. Ông đã từng đi khắp đất nước để bán Coca-Cola trong xe tải và qua đó học được cách phân phối cũng như hệ thống tiếp thị và hậu cần từ những trải nghiệm này.

Năm 1985, ông được thăng chức lên vị trí Tổng giám đốc của Coca-Cola Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Á. Ba năm sau, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Bộ phận Bắc Âu và Trung Đông của Coca-Cola, chịu trách nhiệm hoạt động tại 23 quốc gia trong khu vực. Năm 1995, Kent trở thành Giám đốc điều hành Coca-Cola tại châu Âu. Chỉ trong vòng hai năm ở vị trí này, ông đã đưa doanh thu của Coca-Cola tại khu vực này tăng 50%, trong đó bao gồm các hoạt động đóng chai tại 12 quốc gia châu Âu.

Năm 1999, Kent rời Coca-Cola sau 20 năm làm việc tại đây và trở về Thổ Nhĩ Kỳ, ông được mời làm Giám đốc điều hành của Công ty Efes Baverage. Đây là một trong những doanh nghiệp nước giải khát quốc tế lớn nhất châu Âu. Kent đã có công lớn khi mở rộng thị trường của Efes Baverage từ Adriatic sang Trung Quốc.

Đến tháng 5/2005, Kent quay trở lại với Coca-Cola sau gần 6 năm và được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn tại Bắc Á, châu Âu và Trung Đông. Tới tháng 1/2006, Muhtar Kent được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Ban khai thác thị trường quốc tế. Ở vị trí này, ông chịu trách nhiệm cho tất cả các hoạt động của Coca Cola bên ngoài Bắc Mỹ.

Ông được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc điều hành Coca Cola toàn cầu vào ngày 1/7/2008 và đến ngày 23/4/2009, ông được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn. Năm 2015, ông được trả mức lương lên tới trên 25,2 triệu USD/năm.

Ngoài vị trí đứng đầu Tập đoàn Coca-Cola, Muhtar Kent còn tham gia nhiều vị trí trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Hiện ông là đồng Chủ tịch của Diễn đàn hàng tiêu dùng. Ông còn là thành viên của Hiệp hội Chính sách đối ngoại, thành viên của Hội nghị bàn tròn kinh doanh, là tân Chủ tịch của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc và Chủ tịch danh dự của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN.

Ông cũng là thành viên trong Uỷ ban đặc biệt Olympics Quốc tế, tổ chức từ thiện Ronald McDonald House, Catalyst và Đại học Emory.

Tin bài liên quan