Nhà đầu tư châu Á đang găm lượng vốn lớn

Nhà đầu tư châu Á đang găm lượng vốn lớn

(ĐTCK) Các nhà đầu tư châu Á có rất nhiều mối quan tâm trong vòng 2 tuần qua. 

Đầu tiên là việc Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tiếp đến là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó tập trung chủ yếu vào vấn đề thương mại.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh châu Á đang ghi nhận sự trở lại của các loại tài sản chủ chốt và phi chủ chốt, các nhà đầu tư khu vực vẫn đang tích trữ lượng vốn rất lớn để tìm kiếm cơ hội trong nước và liên kết quốc tế.

Tham vọng của Trung Quốc tại châu Á

Theo số liệu thống kê mới công bố của JLL, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng 50% vốn đầu tư bất động sản khi bơm khoảng 29,1 tỷ USD vào thị trường nội địa năm ngoái, chủ yếu tại các thành phố cấp 1 như Thượng Hải và Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đầu tư kỷ lục 33 tỷ USD cho bất động sản nước ngoài năm 2016, con số khó có thể tiếp tục duy trì trong năm nay do chính phủ nước này siết chặt kiểm soát vốn và đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn sẽ khuyến khích các hoạt động đầu tư có lợi cho sáng kiến “Một vành đai - Một con đường”, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trên cơ sở đó, các nhà kinh tế dự đoán, dòng vốn sẽ chảy ngược trở lại thị trường trong nước hoặc hướng tới các cơ hội đầu tư do Chính phủ Trung Quốc bảo trợ. Ngoài ra, việc Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và gia tăng ảnh hưởng tại đây.

Tập đoàn tài chính - ngân hàng Credit Suisse Group ước tính, Trung Quốc hiện đã tăng gấp đôi đầu tư tại 6 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Campuchia, Malaysia và Indonesia. Riêng trong lĩnh vực bất động sản, Trung Quốc là nhà đầu tư số 1 tại Malaysia, khi bơm vào thị trường này khoảng 2,1 tỷ USD trong 3 năm qua. Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc cũng dự định xây dựng một trung tâm hậu cần tại khu vực thương mại tự do kỹ thuật số của Malaysia, gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur, nhằm tăng cường hơn nữa đầu tư và lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.

Lợi thế của Hàn Quốc và Nhật Bản

Trên thực tế, Trung Quốc chỉ là một phần trong câu chuyện đầu tư của châu Á. Tại Hàn Quốc, đầu tư nội địa của nước này cũng tăng 75%, cán mốc 12,4 tỷ USD trong năm ngoái, bắt nguồn từ sự quan tâm của khối đầu tư doanh nghiệp đối với các loại tài sản có tỷ suất sinh lời cao.

Đáng chú ý, cuộc khủng hoảng chính trị xung quanh cựu Tổng thống Park Geun-hye đã dẫn đến làn sóng cải cách các tập đoàn gia đình (còn gọi là chaebol) từng thống trị đời sống kinh tế ở quốc gia này. Rất nhiều tập đoàn thuộc sở hữu gia đình đang quyết định đa dạng hóa tài sản phi chủ chốt để củng cố vị thế tài chính

Còn tại Nhật Bản, lợi suất trái phiếu thấp và thị trường chứng khoán tăng trưởng chậm chạp là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân và đầu tư doanh nghiệp chuyển hướng sang tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực bất động sản, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất của Nhật Bản vẫn rất thấp. Sự kiện Olympics Tokyo 2020 đang đến gần cũng là cơ hội để “đất nước Mặt trời mọc” tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy du lịch.

“Thiên đường trú ẩn” Australia

Xứ sở chuột túi vẫn được các nhà đầu tư đánh giá là một trong những điểm đến an toàn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhờ sự minh bạch chính sách, thanh khoản ổn định trong hoạt động mua bán tài sản và lãi suất vẫn ở mức thấp. 

Trong vài năm qua, các nhà đầu tư Trung Quốc và Hàn Quốc đã từng bước mở rộng sự hiện diện tại Australia, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư bất động sản. Mới đây, việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Đầu tư bất động sản Hàn Quốc và Hội đồng Bất động sản Australia là một minh chứng nữa cho thấy sẽ có thêm nhiều vốn đầu tư chảy vào quốc gia này.

Tin bài liên quan