Nguy cơ Trung Quốc hạ giá mạnh đồng NDT lại hiện hữu

Nguy cơ Trung Quốc hạ giá mạnh đồng NDT lại hiện hữu

(ĐTCK) Nguy cơ Trung Quốc hạ giá mạnh đồng nhân dân tệ (NDT) một lần nữa đang khuấy động các thị trường tài chính khi đồng tiền này hạ giá xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm qua. 

Điều này làm dấy lên những đồn đoán mới về khả năng can thiệp của Bắc Kinh nhằm kiểm soát chính sách tỷ giá hối đoái mong manh của mình.

Cuối năm ngoái, thị trường đã cảm thấy thoải mái hơn sau hàng loạt tuyên bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) về chiến lược tiền tệ của mình, theo đó, ngân hàng này sẽ ổn định tỷ giá hối đoái, đồng thời cho phép điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn so với đồng USD.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016, giới đầu tư đã bày tỏ lo ngại về sự xuống giá mạnh của đồng NDT, trong bối cảnh dòng vốn tư nhân tiếp tục chảy ra khỏi Đại lục. Ước tính, lượng vốn tư nhân ròng chảy khỏi Đại lục có thể ở mức 10 tỷ USD/ngày, tức là cao hơn cả thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc khủng hoảng hồi tháng 8 năm ngoái.

Ước tính, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm 213 tỷ USD, từ mức 3.651 tỷ USD cuối tháng 7/2015 xuống còn 3.438 tỷ USD cuối tháng 11/2015 và có thể còn giảm hơn nữa khi số liệu dự trữ ngoại tệ tháng 12 sắp được công bố. Điều này cho thấy PBoC khó có thể sử dụng công cụ dự trữ ngoại tệ để tiếp tục hỗ trợ đồng NDT thêm nữa.

Nguy cơ Trung Quốc hạ giá mạnh đồng NDT lại hiện hữu ảnh 1

Một số nhà đầu cơ trên thị trường tiền tệ thậm chí bi quan rằng Trung Quốc có thể sớm phải gánh chịu cuộc khủng hoảng hối đoái, nhân tố có thể khiến kho dự trữ ngoại tệ của nước này suy giảm nhanh chóng. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là cú sốc thực sự tới các thị trường toàn cầu.

Vậy vì sao các thị trường trở nên quá lo lắng về động thái hạ giá đồng NDT lần này của Trung Quốc. Đó là vì giới đầu tư vẫn chưa rõ về cơ chế thực sự mà các nhà chức trách Trung Quốc đang theo đuổi.

Ngay sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cuối năm ngoái, Trung Quốc thông báo tỷ giá hối đoái của đồng NDT đã được giữ ở mức “cơ bản” ổn định so với rổ tiền tệ này kể từ thời điểm cơ sở là ngày 31/12/2014. Điều này cho thấy Bắc Kinh không muốn đồng NDT giảm giá mạnh so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ trong tương lai gần.

Các thị trường trở nên quá lo lắng về động thái hạ giá đồng NDT lần này của Trung Quốc là vì giới đầu tư vẫn chưa rõ về cơ chế thực sự mà các nhà chức trách Trung Quốc đang theo đuổi.

Kể từ đó, các động thái lớn trong tỷ giá hối đoái đã diễn ra: sự giảm giá đồng NDT so với USD diễn ra chủ yếu trên thị trường nước ngoài, song cũng xảy ra trên thị trường Đại lục, nơi PBoC giữ quyền kiểm soát. Khoảng cách giữa thị trường nước ngoài và thị trường Đại lục hiện đã tăng lên 1,95%, cao hơn so với mức đỉnh ghi nhận hồi năm 2011. Khoảng cách gia tăng này cho thấy đồng NDT trên thị trường Đại lục không thực sự đạt mức “tự do sử dụng”, một tiêu chí quan trọng để đồng tiền này có thể gia nhập SDR.

Vì vậy, giới quan sát đặt ra câu hỏi, liệu quan hệ kinh tế Trung Quốc và Mỹ (nước có tiếng nói lớn nhất trong IMF) có thể trở nên căng thẳng hơn hay không, nếu Bắc Kinh chủ đích phá giá đồng NDT quá sớm sau khi đạt được mục tiêu gia nhập SDR, dù thời hạn chính thức có hiệu lực là từ tháng 10/2016.

Giới phân tích cho rằng, nếu Bắc Kinh tiếp tục hạ giá nhanh đồng NDT, điều này sẽ làm mất ổn định kinh tế Trung Quốc. Một số người thậm chí lo ngại nó có thể châm ngòi cho làn sóng đua nhau hạ giá đồng nội tệ trên toàn khu vực.

“Trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư hồi tháng 12 vừa qua, rủi ro lớn nhất mà chúng tôi ghi nhận là nỗi lo đồng NDT hạ giá đáng kể”, Timothy Moe, chiến lược gia cổ phiếu và tiền tệ của Ngân hàng Goldman Sachs cho biết.

Trên thị trường tự do, nhiều nhà giao dịch đang bán ra NDT và sự giảm giá đồng NDT trong tuần này đã làm tăng sức ép đối với đồng nội tệ của nhiều nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt tại khu vực châu Á.

Về phần mình, Aidan Yao, chuyên gia kinh tế tại AXA Investment Managers cho rằng: “Nếu thị trường phản ứng quá mức trước sự xuống giá của đồng NDT, có thể PBoC sẽ cân nhắc lại về khả năng can thiệp”.

Tin bài liên quan