Jay Y. Lee tới Tòa án Seoul ngày 13/2/2017

Jay Y. Lee tới Tòa án Seoul ngày 13/2/2017

Người thừa kế Samsung nối gót cha mình vướng vào scandal

(ĐTCK) Câu chuyện về người con trai đầy tham vọng muốn nối tiếp sự nghiệp của cha mình tại Samsung Electronics đã đến đoạn cao trào, khi người thừa kế không chỉ tiếp nhận sự nghiệp kinh doanh mà còn đi vào vết xe đổ của scandal.

Jay Y. Lee là vị “hoàng tử” của một trong những tập đoàn kinh tế quyền lực nhất Hàn Quốc. Gia đình của ông, thông qua các mối liên kết cổ phần phức tạp, nắm giữ quyền kiểm soát Tập đoàn Samsung, đế chế khổng lồ với 230 tỷ USD doanh thu mỗi năm và hiện diện tại mọi lĩnh vực: dịch vụ tài chính, khách sạn, dược phẩm, thời trang, đồ điện tử…

Người thừa kế Samsung nối gót cha mình vướng vào scandal ảnh 1

 Jay Y. Lee bị bắt giữ vì liên quan tới bê bối của Tổng thống Hàn Quốc

Tuy nhiên, ngôi vị của Jay Y. Lee vừa bị tước đi khi ông bị bắt giữ vào sáng nay (17/2), do dính líu tới bê bối chính trị lớn nhất Hàn Quốc. Ông Lee bị cáo buộc đã hỗ trợ tài chính cho bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye để đổi lại các lợi ích riêng.

Chứng tỏ khả năng

Vị lãnh đạo cấp cao 48 tuổi này đã dành phần lớn thời gian của mình để chuẩn bị cho việc tiếp nhận Tập đoàn Samsung từ cha mình, Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee.

Ông Lee Kun-hee, 75 tuổi, hiện là người đàn ông giàu có nhất Hàn Quốc, đồng thời là một doanh nhân huyền thoại khi biến Samsung Electronics Co từ một công ty chuyên nhái theo sản phẩm khác trở thành nhà sản xuất các thiết bị điện tử, smartphone lớn nhất thế giới.

Năm 2014, ông Lee Kun-hee bị một cơn đau tim và không thể đóng vai trò là người chỉ đạo trực tiếp công việc tại Tập đoàn kể từ đó tới nay.

Trước khi vụ bê bối xảy ra, Jay Y. Lee đã chứng tỏ ông là sự lựa chọn tốt nhất để kế nghiệp cha mình. Kể từ khi gia nhập công ty hàng đầu của Tập đoàn là Samsung Electronics năm 1991, ông Lee đã từng bước nổi lên, nắm giữ vị trí Phó chủ tịch.

Người thừa kế Samsung nối gót cha mình vướng vào scandal ảnh 2

 Vì lý do sức khỏe, ông Lee Kun-hee (giữa) không thể trực tiếp điều hành công việc tại Samsung

Tháng 10/2016, ông gia nhập hội đồng thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng và smartphone gồm 9 thành viên và trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy Công ty tiến vào kỷ nguyên mới với sự tăng trưởng hoạt động tại lĩnh vực phần mềm và công nghệ sinh học.

“Cha của Jay Y  là trái tim của Tập đoàn – một cỗ máy công nghiệp đáng kinh ngạc. Jay Y đã tập trung vào việc hiện đại hóa cấu trúc và văn hóa tại đây, trong khi vẫn phải bảo vệ các di sản bấy lâu Đó rõ ràng không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho bất cứ ai và ông đã chứng tỏ mình là chiếc cầu nối đặc biệt giữa 2 giá trị hiện đại và truyền thống”, Shaun Cochran, nhà nghiên cứu tại CLSA cho biết.

Dưới sự quản lý của Jay Y, Samsung Electronics đã có rất nhiều thay đổi. 3 năm qua, Samsung đã thâu tóm và sáp nhập hàng tá các công ty quốc tế bao gồm LoopPay Inc, Viv Labs Inc và Harman International Industries Inc… trong nỗ lực tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới. Bên cạnh đó, Lee cũng cố gắng thắt chặt kỷ luật bằng việc bán đi các bộ phận có kết quả yếu kém, trong đó có bộ phận máy bay tư nhân của Công ty.

Jay Y là nhân vật chính giúp duy trì mối quan hệ không lấy làm êm đẹp giữa Samsung Electronics và địch thủ Apple Inc

Jay Y là nhân vật chính giúp duy trì mối quan hệ không lấy làm êm đẹp giữa Samsung Electronics và địch thủ Apple Inc. Cả 2 bên đều đã vài lần ra tòa vì các cáo buộc bản quyền, nhưng Samsung vẫn là một trong các nhà cung cấp linh phụ kiện cho sản phẩm iPhone của Apple.

Note 7 phát nổ

Gần đây, danh tiếng của Jay Y chịu thiệt hại lớn khi một trong những sản phẩm được đặt kỳ vọng bậc nhất là dòng smartphone Galaxy Note 7 phát nổ, khiến Công ty phải tiến hành chiến dịch thu hồi trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, sự cố này sẽ khiến Samsung Electronics tổn thất hơn 6 tỷ USD.

Người thừa kế Samsung nối gót cha mình vướng vào scandal ảnh 3

 Note 7 phát nổ là cú sốc đầu tiên với danh tiếng của Jay Y. Lee

Cùng lúc này, Jay Y đối diện thách thức từ nhà quản lý quỹ đầu cơ Elliott Management Corp khi yêu cầu Samsung Electronics phải đơn giản hóa cấu trúc của mình.

Quỹ đầu cơ có trụ sở tại New York, được sáng lập bởi Paul Singer này muốn Samsung bổ sung thêm giám đốc độc lập vào Hội đồng quản trị và chia cổ tức trị giá 26 tỷ USD cho các nhà đầu tư.

Việc Note 7 phát nổ được coi là cú sốc mở đầu cho danh tiếng và sự nghiệp của Jay Y, nhưng dường như chưa là gì với scandal mới nhất dính líu tới pháp lý.

Trong tháng 12/2016, Lee là 1 trong 9 vị lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc bị các nhà lập pháp xét hỏi vì có liên quan tới scandal của Tổng thống Park. Trong đó, cơ quan điều tra cáo buộc Samsung đã trao cho bạn thân của bà Park hàng chục triệu USD để đổi lấy các lợi ích riêng.

Chưa kể Samsung bị nghi ngờ đã trả khoảng 1 tỷ USD để quỹ đầu tư lương hưu lớn nhất Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch sáp nhập giữa 2 công ty thuộc Tập đoàn, qua đó giúp kế hoạch của Jay Y thành công.

Người thừa kế Samsung nối gót cha mình vướng vào scandal ảnh 4

 2 cha con người thừa kế Tập đoàn Samsung

Trong tháng trước, Tòa án Seoul đã bác bỏ đề nghị bắt giữ ông Lee từ cơ quan điều tra. Tuy nhiên, đầu tuần này, cơ quan điều tra cho biết họ phát hiện thêm các chứng cứ quan trọng và quyết định mở rộng hơn nữa phạm vi điều tra vụ scandal của Tổng thống Hàn Quốc. Kết quả là sáng ngày 17/2, Jay Y. Lee đã chính thức bị bắt giữ.

“Nếu Jay Y bị giam, đây là dấu hiệu rõ ràng cho việc trì hoãn chuyển giao quyền lực tại Tập đoàn và ông khó có thể chính thống trở thành vị lãnh đạo tiếp theo của Samsung”, Kim Sang-jo, giáo sư Đại học Hansung cho biết.

“Tiếp bước” người cha

Vụ bê bối của Jay Y. Lee gợi nhắc tới “lịch sử” không mấy dễ chịu đối với Samsung. Trong nhiều năm qua, gia tộc đã sáng lập nên Tập đoàn Samsung thường bị cáo buộc đã trốn thuế, hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc, thoái thác trách nhiệm trước thua lỗ của các công ty thành viên.

Người thừa kế Samsung nối gót cha mình vướng vào scandal ảnh 5

Người biểu tình cầm các tấm biểu ngữ có hình của Lee Kun-hee và Jay Y. Lee năm 2008 

Bỏ qua câu chuyện về những bê bối, ông Lee và cha mình từ lâu đã được nhận định rằng có 2 phong cách quản trị khác biệt.

Khi ông Lee Kun-hee có vấn đề về sức khỏe, Jay Y đã được biết tới là một người bình tĩnh, biết hợp tác và tư duy logic. Theo học tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Keio Nhật Bản và Trường Kinh tế Harvard, thành thạo tiếng Nhật và tiếng Anh, Jay Y đã nhanh chóng nối tiếp sự nghiệp của cha mình và chưa từng bị nghi ngờ về năng lực.

Goran Malm, CEO General Electric Medical System Asia, doanh nhân người Đức đã từng làm việc với cả 2 vị lãnh đạo Samsung này cho biết: “Ông Lee Kun-hee là một vị lãnh đạo đầy quyền lực, luôn thể hiện sức mạnh của người nắm quyền. Trong khi đó, Jay Y là một người hiện đại và rộng mở. Ông đã trưởng thành từ trong Công ty và biết rõ mọi vấn đề của nó”.

Hiện tại, tương lai của người kế thừa Samsung là chưa rõ ràng. Nếu bị kết tội và phải ngồi tù, Samsung sẽ phải lựa chọn một cá nhân mới thay thế cho vị trí lãnh đạo lần đầu tiên trong hàng thập kỷ. Jay Y có thể bị thay thế, ít nhất là trong giai đoạn này, bằng một lãnh đạo cấp cao trong Tập đoàn hoặc có thể là chị gái ông.

Tin bài liên quan