“Người thắng, kẻ thua” khi đồng bảng Anh xuống giá mạnh

“Người thắng, kẻ thua” khi đồng bảng Anh xuống giá mạnh

(ĐTCK) Nỗi lo sợ về “Brexit” (khả năng Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu) đã kéo đồng bảng Anh tiếp tục mất giá trong những phiên giao dịch gần đây và có lúc rơi xuống dưới 1,39 USD đổi 1 bảng trong phiên giao dịch ngày 24/2, mức thấp nhất trong 7 năm qua.

So với chỉ 6 tháng trước, bảng Anh đã mất 8% giá trị so với euro; 9,5% so với USD và 17% so với yen Nhật. Sự xuống giá của đồng tiền này không phản ánh việc Ngân hàng Trung ương Anh thay đổi thái độ với lãi suất, mà đó là do những rủi ro chính trị, một khi nước Anh thực hiện những thay đổi cực kỳ quan trọng trong mối quan hệ kinh tế quốc tế của mình.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Oliver Jones thuộc Trung tâm tư vấn chính sách Fathom Consulting, còn có một số nguyên nhân khác khiến đồng bảng Anh xuống giá như tình trạng thâm hụt ngân sách dai dẳng của “đảo quốc sương mù” hay cuộc trưng cầu ý dân về tương lai nước Anh trong tháng 6 tới đây khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất an.  Dưới đây là những khu vực kinh tế của Anh chịu tác động lớn nhất khi đồng nội tệ xuống giá: 

1. Các doanh nghiệp nhỏ

Hàng loạt doanh nghiệp nhỏ của Anh đang chứng kiến biên độ lợi nhuận sụt giảm mạnh khi đồng nội tệ xuống giá. Công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm Zigzag Associates cho biết, các hợp đồng với khách hàng của họ được ký kết bằng đồng USD hoặc bảng Anh. Chúng thường có thời hạn ít nhất là 2 năm và họ không thể thay đổi điều khoản hợp đồng khi tỷ giá biến động. Chỉ cần tỷ giá biến động khoảng 2-3 điểm phần trăm, nó có thể tác động mạnh tới ngân sách của Công ty.

Michael Conway, Giám đốc điều hành Công ty may mặc Clothes2Order cho biết, hãng này có thể phải nâng giá sản phẩm hoặc cắt giảm đầu tư. Có rất ít nhà sản xuất may mặc tại Anh. Chúng tôi phải mua máy móc sản xuất bằng đồng USD. Nếu đồng USD lên giá so với bảng Anh, lợi nhuận của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng. Điều mà các doanh nghiệp nhỏ của Anh cần lúc này là sự ổn định, chứ không phải bất ổn tiền tệ”, Conway nói. 

2. Nông nghiệp

Chủ tịch Liên minh nông dân quốc gia Anh, Meurig Raymond thừa nhận: “Trước đây, đồng bảng mạnh, đặc biệt so với đồng euro, đã tạo ra sức ép với chúng tôi trên cả phương diện xuất khẩu và giá. Tuy nhiên, sự xuống giá của đồng nội tệ trong vài tuần qua đã giúp ích đáng kể cho người nông dân Anh, không chỉ trong ngắn hạn mà còn dài hạn. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất, đó có thể là thảm họa với người nông dân trong tình hình hiện nay”.

Một chủ trang trại nuôi cừu tại Leicestershire cho biết, giá trị sản phẩm thịt cừu đã tăng đáng kể khi nội tệ xuống giá, đem lại những lợi ích tích cực cho trang trại và xuất khẩu các sản phẩm “thịt đỏ” như thịt cừu hay thịt bò, trái ngược với sự sụt giảm lợi nhuận ít nhất 10% khi tỷ giá không thuận lợi hồi năm ngoái.

Theo Liên minh nông dân quốc gia Anh, quốc gia này xuất khẩu khoảng 38% sản lượng thịt cừu. Năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này giảm 22% so với năm trước, trong đó nguyên nhân chính là do đồng bảng Anh quá mạnh. 

3. Bán lẻ

Nước Anh phải nhập khẩu khoảng một nửa nhu cầu nông sản và nhiều mặt hàng khác. Vì thế, khi đồng bảng xuống giá đồng nghĩa với sản phẩm nhập khẩu có giá cao hơn. Đó là một tin không mấy dễ chịu với người tiêu dùng, song lại là cơ hội kiếm tiền cho các cửa hàng bán lẻ.

Các siêu thị có thể chứng kiến tình trạng lạm phát lương thực, giống như những gì đã xảy ra hồi 2008, khi đồng bảng Anh mất tới 25% giá trị. Giá lương thực tăng gần 12% trong năm đó. Chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng khi đồng nội tệ yếu hơn sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Họ sẽ là đối tượng phải gánh chịu điều này. Ở chiều ngược lại, tăng trưởng doanh thu của các nhà bán lẻ có thể tốt hơn. Ước tính, cổ phiếu các siêu thị có thể tăng 4-5% trên mỗi điểm phần trăm lạm phát lương thực.

Quần áo, đồ điện tử và các mặt hàng khác cũng có thể trở nên đắt đỏ hơn. Song không giống như lương thực, thứ mà mọi người vẫn phải mua dù có tăng giá, người tiêu dùng có thể mua ít hơn các mặt hàng xa xỉ khi giá tăng và thu nhập sụt giảm.

David McCarth, nhà phân tích tại HSBC cho rằng, hàng hóa phi lương thực sẽ chịu tác động nhiều hơn lương thực. Trong trường hợp “Brexit” xảy ra, tác động tới các nhà bán lẻ thậm chí còn nghiêm trọng hơn.   

Tin bài liên quan