Nghề viết diễn văn ở Nhà Trắng

Nghề viết diễn văn ở Nhà Trắng

Những người viết diễn văn cho Tổng thống Hoa Kỳ luôn ý thức rằng sau một bài diễn thuyết do chính họ chấp bút sẽ là một quyết sách, nước cờ chính trị của Nhà Trắng, có thể làm thay đổi nước Mỹ và đôi khi cả thế giới.

Nghề đặc biệt

Tổng thống Mỹ đầu tiên - George Washington mang khái niệm "speechwriting" (người viết diễn văn) đến Nhà Trắng nhằm tạo ra những bài phát biểu hấp dẫn công chúng. Các bài diễn văn của Washington đều được soạn bởi người bạn của ông - chính trị gia nổi tiếng Alexander Hamilton. Tuy nhiên, phải đến đời tổng thống thứ 30, nước Mỹ mới chính thức có speechwriting. Tổng thống Calvin Coolidge (nhiệm kỳ 1923 - 1929) đã lập hẳn một vụ gọi là "Office of speechwriting".

Mỗi Tổng thống Mỹ có phong cách diễn thuyết riêng, do vậy họ cũng có những yêu cầu khác nhau về cách soạn thảo diễn văn. Tổng thống Mỹ thứ 35 John F. Kennedy luôn chủ động thêm hình ảnh, ý tưởng vào bài diễn thuyết. Tổng thống thứ 37 Richard Nixon lại thường chỉ tham khảo bản thảo, khi bước lên bục diễn thuyết thì nói một cách đầy ngẫu hứng.

Soạn diễn văn cho Tổng thống Hoa Kỳ phải là người am tường về chính trị, kinh tế, xã hội, các chính sách và có khả năng làm cho chúng trở thành thông điệp để công chúng ở bất cứ trình độ nào cũng nắm bắt được. Không có chuyên ngành đào tạo người viết diễn văn, những bậc thầy viết lách này thường tốt nghiệp trường luật, chính trị, hành chính công, báo chí...

Cody Keenan, "người kể chuyện nước Mỹ” của Tổng thống Barack Obama vốn là sinh viên trường y. Sarah Hurwitz - tác giả những bài phát biểu "lay động lòng người" của đương kim Đệ nhất phu nhân Michelle tốt nghiệp Trường Luật Harvard. Ted Sorensen - người viết diễn văn cho Tổng thống Kennedy vốn là một nhà chiến lược, cố vấn chính trị xuất sắc. Tất cả họ đều có khả năng nhận biết những thông tin quan trọng, thấu hiểu về diễn giả, các giá trị mà nhà cầm quyền muốn hướng tới để chuyển tải vào bài viết một cách chân thực, có hồn, thể hiện chính xác cách hành văn, tính cách của người phát biểu.

"Quân sư” Sarah Hurwitz có đến 7 năm làm việc với Đệ nhất phu nhân Michelle để hiểu một phụ nữ từng chịu những thiệt thòi của người da màu trước khi bước vào Nhà Trắng. Nhờ đó, diễn văn của bà Michelle dù đề cập các vấn đề thời sự được quan tâm nhưng không có các số liệu thống kê, thay vào đó là những chuyện thời trẻ, những kinh nghiệm vượt khó.

"Khi viết diễn văn cho Đệ nhất phu nhân, tôi như thể viết ra với giọng nói của bà ấy trong đầu mình, bởi suốt những năm qua bà thường xuyên góp ý cho tôi và tôi hiểu rất rõ bà muốn gì” - Hurwitz chia sẻ.

Michael Gerson, cựu biên tập viên Tạp chí US News and World Report- người chấp bút các bài diễn văn cho Tổng thống George Bush cho biết, diễn văn phải mang đậm phong cách tư duy của Tổng thống. "Nhiệm vụ của chúng tôi không phải chỉ đơn giản là soạn những bài phát biểu hay. Bài phát biểu hay Tổng thống cũng có thể viết ra được" - Gerson nói. Robert A. Lehrman - người viết diễn văn cho Phó tổng thống Al Gore (giai đoạn 1993-1995) chia sẻ: "Nhiệm vụ của tôi là khiến bạn nghe, khiến bạn cảm và trên hết là làm cho bạn hiểu".

Diễn văn của Tổng thống Mỹ còn phải là sự tổng hợp ý kiến của các cố vấn từ giới học thuật hàn lâm, đồng thời là kết quả của quá trình chuẩn bị tư liệu rất kỹ lưỡng của Nhà Trắng. Từ những năm 1960 - 1970, Mỹ có khoa Việt Nam học tại các trường đại học hàng đầu ở các bang Yale, Cornell, Ohio, California... Đó là lý do bài diễn thuyết 30 phút mà Tổng thống Obama đọc trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016 vừa có thể "lẩy Kiều", vừa thể hiện sự hiểu biết sâu về âm nhạc, lịch sử, văn hóa, chính trị, khoa học, giáo dục, các vấn đề Biển Đông và biến đổi khí hậu, gây sự ngạc nhiên thú vị.

Trách nhiệm nặng nề và vô danh

Đôi khi trước lúc diễn thuyết, Tổng thống Mỹ gặp người chấp bút một lúc để cho biết ý tưởng của bài phát biểu. Vì thế mà có khi họ chỉ có 10 phút để hoàn thành bài viết. Lúc đó, "bạn sẽ không có thời gian để chỉnh sửa. Bản thảo đầu tiên cũng sẽ là cuối cùng" - ông Sorensen nói.

Tờ New York Times miêu tả Cody Keenan đã cặm cụi bên bàn làm việc đến rạng sáng 12/1/2016, căng thẳng chỉnh sửa từng chữ trong Thông điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ mà Tổng thống Barack Obama đọc trước lưỡng viện Quốc hội. Keenan đã nhốt mình trong phòng làm việc suốt 15 ngày để viết 6.000 từ cho bài diễn thuyết này, gửi bản thảo đi lúc 5 giờ sáng.

Trước đó, Jon Favreau đã làm việc cật lực trong suốt kỳ tranh cử Tổng thống năm 2008 của ông Barack Obama, thức thâu đêm viết bài diễn văn nhậm chức cho tân Tổng thống vào tháng 1/2009. Ông thường xuyên làm việc đến ba giờ sáng, thỉnh thoảng phải đối diện với cả sự "đe dọa" của Bill Burton - người phát ngôn của Obama: "Này chàng trai, những gì anh đang viết sẽ được công bố cho toàn nước Mỹ đấy".

Cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, người ta vẫn nhớ đến phát ngôn nổi tiếng của ông: "Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước". Ít người biết rằng câu này được viết bởi Ted Sorensen.

Bài diễn văn nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 32 năm 1993 của Franklin Delano Roosevelt là một bản viết tay. Trước đó, ngay sau khi tân Tổng thống tự chép lại bài diễn văn này, Raymond Moley đã ném bản thảo vào lò sưởi rồi nói: "Bây giờ, bài diễn thuyết là của ngài".

Sẽ không ai được biết tác giả của bài diễn văn nhậm chức nếu ông chủ Nhà Trắng không muốn điều đó. Họ cũng không bao giờ được ký tên dưới mỗi bản thảo.

Đặc điểm chung của những "soạn giả” tại Nhà Trắng là họ xem công việc như một bí mật nghề nghiệp, cho dù ngày nay nhiều chính trị gia thừa nhận diễn văn của mình được chấp bút bởi một ai đó. Tổng thống Obama đã rất công bằng với những cộng sự khi thường xuyên khen ngợi họ truyền đạt chính xác những ý tưởng của ông. Nhờ vậy, Cody Keenan đã được biết đến với nhiều áng văn ấn tượng. Tuy nhiên, ông vẫn không nhận lời trò chuyện với báo giới, dù đó là NBC hay The New York Times.

Trong bài viết về cuộc sống của một nhà viết diễn văn chính trị, Lehrman cây bút của Phó tổng thống Al Gore nói rằng: "Để có hàng trăm bài phát biểu mỗi năm, Tổng thống cần những cây bút đủ tài năng thay vì chôn chân suốt nhiệm kỳ tại bàn làm việc và vắt óc để viết một cái gì đó thật hay".

Sau một thời gian "viết lời" cho người khác, đến lúc "sự nghiệp chính trị” của những người viết diễn văn cũng kết thúc. Họ lại "trở về” để viết những áng văn với giọng văn của chính mình và dành riêng cho mình. Cody Keenan đã rời Nhà Trắng vào đầu năm 2013 sau 8 năm làm việc để trở thành nhà viết kịch bản, trong khi Michael Gerson trở thành biên tập viên Tạp chí US News and World Report, hay Ted Sorensen là tác giả những quyển sách bán chạy nhất viết về chính trường nước Mỹ và vị Tổng thống bị ám sát Kennedy... 

Tin bài liên quan