Ngân hàng toàn cầu rút lui, nhà băng  khu vực vững chân tại châu Á

Ngân hàng toàn cầu rút lui, nhà băng khu vực vững chân tại châu Á

(ĐTCK) Mới đây, ANZ đã tiếp bước các ngân hàng châu Âu như Barclays Plc và Societe Generale SA rút lui khỏi châu Á, khi bán một số bộ phận kinh doanh tại 5 thị trường khu vực cho DBS Group Holdings Ltd. Đây được xem là tín hiệu mới nhất của làn sóng thu hẹp quy mô, tập trung vào một số lĩnh vực nhất định của các ngân hàng toàn cầu, khi họ nhận ra rằng, lớn hơn không có nghĩa là tốt hơn.

Nhà băng lớn thoái lui khỏi tham vọng toàn cầu

Sau gần 2 thập kỷ không ngừng mở rộng cả về quy mô hoạt động tại các quốc gia cũng như các lĩnh vực kinh doanh, hiện tại, đa phần các ngân hàng toàn cầu đã dần thoái lui tại một số thị trường, trong đó có châu Á.

Năm 2015, một khảo sát của McKinsey & Co cùng The Wall Street Journal đối với 10 ngân hàng toàn cầu cho thấy, sự hiện của các nhà băng này đang dần thu hẹp lại. Năm 2008, trung bình các ngân hàng toàn cầu hiện diện tại 65 quốc gia, tới năm 2015, con số này giảm xuống còn 55 quốc gia. Khi đó, báo cáo này không bao gồm Citigroup, khi nhà băng này sau đó công bố kế hoạch rút lui khỏi lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại ít nhất 20 quốc gia.

Trong năm nay, bước đi của các nhà băng toàn cầu lại càng trở nên khẩn trương hơn. Đầu năm 2016, Barclays công bố kế hoạch cắt giảm 1.200 nhân viên, đóng cửa nhiều hoạt động tại châu Á, Nga và Brazil. Trong khi đó, HSBC cũng rút lui khỏi Brazil,  bên cạnh 83 thị trường trên toàn cầu mà nhà băng này rời khỏi kể từ năm 2011.

Tại châu Âu, các CEO mới của ngân hàng Barclays, Credit Suisse Group AG và Deutsche Bank AG đều đang nỗ lực với kế hoạch tái cơ cấu, mà một trong các giải pháp chính là thoái lui khỏi một số thị trường và lĩnh vực kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.

Nếu như trước đây, các nhà băng được nhà đầu tư thúc giục mở rộng quy mô, với kỳ vọng sẽ thu về lợi nhuận cao hơn, thì hiện tại, nhà đầu tư lại phàn nàn về việc họ buộc phải chú tâm tới những con số khổng lồ khó lòng có thể kiểm chứng. Chưa kể, các nhà băng toàn cầu phải đối diện với những quy tắc, hệ thống pháp luật phức tạp tại các địa phương, đồng nghĩa với việc một số lượng lớn tiền không thể dễ dàng hồi hương.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư lo lắng việc lãnh đạo các nhà băng không thể kiểm soát toàn bộ hệ thống đang trải dài khắp nơi trên thế giới với nhiều đầu mối kinh doanh phức tạp.

George Mathewson, người đã đưa Royal Bank of Scotland Group PLC vượt qua khủng hoảng, trở thành một trong những nhà băng sở hữu tài sản lớn nhất thế giới, là một trong những CEO ngân hàng tin rằng chiến lược bành trướng toàn cầu đã tới lúc kết thúc.

“Tôi không tin vào một ngân hàng xuyên lục địa. Bởi các mối nguy cơ văn hóa là quá lớn”, Mathewson cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, lợi nhuận của các “đế chế” ngân hàng lớn tại nhiều khu vực trên toàn cầu rất ảm đạm. Tại lĩnh vực ngân hàng đầu tư, việc hiện diện tại nhiều thị trường chỉ giúp doanh thu tăng khoảng 20 - 25% trong 20 năm qua, trong khi các chi phí bỏ ra cho việc mở rộng và duy trì mạng lưới là rất lớn, theo báo cáo của Morgan Stanley và nhà tư vấn Oliver Wyman. Cũng theo báo cáo này, đa phần doanh thu của các ngân hàng toàn cầu đến từ 5 – 10 thành phố lớn, với một nhóm các khách hàng quốc tế chính. 

Nhà băng khu vực nhanh chóng chen chân

Trong kế hoạch rút lui khỏi một số thị trường, nhiều ngân hàng lớn toàn cầu đã lựa chọn tạm thời “vắng mặt” tại thị trường châu Á. Việc này mở ra cơ hội cho các ngân hàng khu vực thế chân các đế chế lớn, vốn từ lâu giữ ngôi vị thống lĩnh trong ngành công nghiệp này tại châu Á.

Báo cáo thị phần và vai trò dẫn đầu trong ngành ngân hàng châu Á 2016 của Greenwich Associates vừa được công bố nhận định, các nhà băng lớn toàn cầu vẫn đang có ưu thế vượt trội so với các ngân hàng khu vực trong bảng xếp hạng các vị trí dẫn đầu ngành ngân hàng châu Á. Tuy nhiên, nếu tính theo một nhóm, sức mạnh của các ngân hàng toàn cầu tại khu vực này đang suy yếu.

Theo đó, các quy định, điều kiện mới từ giới chức các quốc gia, chi phí không ngừng gia tăng và các áp lực lên bảng cân đối kế toán đã buộc các ngân hàng toàn cầu thu hẹp quy mô, thậm chí hoàn toàn rời khỏi thị trường cung cấp dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp tại châu Á.

Việc các ngân hàng toàn cầu suy giảm sức mạnh, tái định hình lại chiến lược kinh doanh tại khu vực đã khiến các công ty châu Á suy nghĩ lại về những lợi ích thực sự khi sử dụng dịch vụ tại các ngân hàng này. Riêng đối với lĩnh vực quản lý tài sản, nhiều công ty châu Á tỏ ra mất niềm tin đối với dịch vụ của các ngân hàng toàn cầu trong dài hạn, bởi nhiều mối nghi ngại về chất lượng quản lý.

Trong bối cảnh này, các nhà băng khu vực đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội.

“Các nhà băng lớn tại 13 thị trường châu Á mà chúng tôi theo dõi đang có được vị trí tốt hơn so với 5 năm trước đây, nhờ tận dụng tốt các cơ hội khi nhiều ngân hàng toàn cầu dần thu hẹp và rút lui khỏi khu vực. Họ đang dần xây dựng khả năng tài chính vững chắc, nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ của mình”, Paul Tan, nhà tư vấn của Greenwich Associates cho biết.

Bằng chứng mới nhất thể hiện xu hướng này là việc Ngân hàng Singapore DBS trả 110 triệu SGD (tương đương 79 triệu USD) để mua lại lĩnh vực bán lẻ và quản lý tài sản của ANZ tại Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia. Thương vụ này sẽ giúp khối tài sản của DBS tăng thêm 23 tỷ SGD và lượng tài sản quản lý tăng thêm 182 tỷ SGD, theo hồ sơ nộp Sở Giao dịch chứng khoán Singapore của DBS.

ANZ cho biết, Ngân hàng chấp nhận khoản lỗ 201 triệu USD trong thương vụ này, bởi đây là bước đi cần thiết để giải quyết những sai lầm trong chiến lược mở rộng sự thâm nhập vào thị trường châu Á. Trước đó, ANZ đặt mục tiêu thu về lợi nhuận khoảng 30% tại các thị trường bên ngoài Australia và New Zealand cho tới năm 2017.

“Chiến lược được ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện tại là tạo nên một nhà băng đơn giản hơn, nền tảng tài chính vững chắc hơn với một bảng cân đối kế toán tốt hơn. Để làm được điều này, cần phải tập trung vào những khu vực mà chúng tôi có thể giữ chắc vị trí dẫn dầu”, CEO ANZ Shayne Elliott cho biết.

Bên cạnh đó, trả lời những thắc mắc của nhà đầu tư, Elliott cho biết, ANZ vẫn đang cân nhắc lại hoạt động kinh doanh tại thị trường Campuchia, Lào, Việt Nam và Philippines.

 Giống như nhiều nhà băng châu Á khác đang không ngừng tự nâng cao sức mạnh, DBS đã mở rộng các lĩnh vực kinh doanh tại khu vực trong những năm gần đây, nhằm tận dụng cơ hội khi xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú tại châu lục này. Bên cạnh đó, nhà băng này nắm bắt tốt các cơ hội để mua vào tài sản trong bối cảnh các ngân hàng lớn dần rút lui trước áp lực cắt giảm chi phí và tập trung vào một số lĩnh vực có lợi nhuận tốt.

Trước thương vụ mua lại lĩnh vực bán lẻ và quản lý tài sản của ANZ, DBS đã mua bộ phận quản lý tài sản của Societe Generale tại châu Á năm 2014 và cho biết đang cân nhắc việc mua lại lĩnh vực ngân hàng cá nhân của ABN Amro Group NV tại khu vực.

“Đây là thời điểm khó khăn cho việc kinh doanh, nhưng đồng thời cũng là thời điểm tốt để mua tài sản giá rẻ. Chúng ta đang ở trong môi trường mà nỗi đau của người này chính là niềm vui của người khác”, Kevin Kwek, chuyên gia phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co cho biết.

Thực tế, không riêng DBS nỗ lực mở rộng hoạt động, nâng cao vị thế trên sân nhà khu vực. Đầu năm nay, DBS đã chịu thất bại trước một đối thủ nhỏ hơn là ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp – OCBC (Singapore) trong việc mua lại bộ phận quản lý tài sản và đầu tư tại châu Á của Barclays. Bahren Shaari, CEO Bộ phận Ngân hàng cá nhân OCBC cho biết, các nhà băng châu Á cần phải làm vững chắc hơn vị thế của mình tại lĩnh vực quản lý tài sản, bởi có như vậy, họ mới có thể cung cấp được những dịch vụ đủ sức làm hài lòng những tỷ phú mới nổi tại châu Á. Và một trong các giải pháp là tìm kiếm cơ hội mua lại tài sản từ các nhà băng toàn cầu đang muốn thoái lui.

Mặc dù nỗ lực mở rộng thị phần, các nhà băng khu vực vẫn còn một chặng đường dài cần bước tiếp, bởi các ngân hàng toàn cầu vẫn đang nắm vị thế thống lĩnh tại châu Á. Theo Greenwich Associates, HSBC giữ vị trí số 1 về thị phần đối với dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, với mức độ thâm nhập thị trường là 60%. Tiếp theo đó là Standard Chartered với 50%, Citigroup 44%. ANZ và DBS gần ngang nhau với mức độ thâm nhập thị trường 33 – 34%. DBS là ngân hàng châu Á duy nhất góp mặt trong Top 5 này.

Theo ANZ Việt Nam, Tập đoàn ANZ vừa có thông báo về thỏa thuận bán lại mảng dịch vụ khách hàng cá nhân tại Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia cho Ngân hàng DBS của Singapore.

Thông tin phản hồi chính thức từ ANZ đối với hoạt động của ANZ tại Việt Nam xác nhận rằng, mảng dịch vụ ngân hàng cá nhân của Việt Nam không nằm trong thương vụ mua bán này, nên không có ảnh hưởng hay thay đổi gì đến hoạt động khách hàng cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng tại Việt Nam.

Tin bài liên quan