Một số sản phẩm của Rostec

Một số sản phẩm của Rostec

Nga và tham vọng đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang châu Phi

(ĐTCK) Nga tiếp tục theo đuổi các dự án đắt tiền tại châu Phi, bất chấp việc kinh tế gặp khủng hoảng tại quê nhà, với mục đích sẽ kích thích doanh thu xuất khẩu sang khu vực này, bao gồm cả lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Đây cũng là 1 giải pháp bù đắp cho những tổn thất kinh tế mà các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.

Gần đây, Nga hết sức tập trung trong việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nước châu Á kể từ khi các lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu được áp đặt lên nước này. Tuy nhiên, các thỏa thuận thương mại với châu Phi, thị trường rộng lớn với nhu cầu cao về vũ khí và công nghệ, vẫn là 1 trong những ưu tiên hàng đầu của  Moscow.

Hãng công nghiệp nhà nước khổng lồ Rostec của Nga, với vị trí độc quyền xuất khẩu vũ khí, đã công bố danh mục đầu tư của mình trong năm nay. Tuy mức đầu tư bị hạn chế bởi khủng hoảng kinh tế, nhưng vẫn dễ nhận ra Rostec khá mạnh tay với các dự án tại châu Phi, nhờ sự ủng hộ từ chính phủ.

Rostec cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng một khu chế xuất dầu mỏ trị giá 4 tỷ USD tại Uganda và khoảng 3 tỷ USD dành cho dự án khai thác platinum ở Zimbabwe. Giai đoạn đầu tiên của dự án tại Uganda sẽ đòi hỏi 2 tỷ USD đầu tư và giai đoạn 2 là 1,7 tỷ USD. Giai đoạn đầu tư cao điểm dự kiến là vào năm 2018 - 2019. Rostec chưa công bố rõ chi tiết có liên quan tới dự án mỏ khai thác platinum ở Zibabwe.

Ngân hàng phát triển tại Nga, Vnesheconombank (VEB,) sẽ là nguồn cung cấp tài chính cho dự án này. Hiện VEB đang chịu các lệnh trừng phạt cấm vận của phương Tây. Ngân hàng này cho biết chỉ ký các thỏa thuận trên với tư cách là 1 đối tác của dự án.

Tập đoàn Rostec, bao gồm hàng trăm công ty con ở mọi lĩnh vực, từ công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport cho tới nhà cung cấp platinum hàng đầu thế giới VSMPO – Avisma, cho rằng những dự án này là cánh cửa mở bước vào châu Phi, một trong những thị trường có như cầu vũ khí rất lớn.

“Đây không chỉ là một sự án sinh lời đơn thuần, việc xây nhà máy lọc dầu tại Uganda sẽ mở ra cánh cửa cho  sản phẩm từ các công ty con của Rostec cũng như tất cả các công ty Nga khác”, thông báo của Rostec cho biết.

Hiện Rostec cũng như chủ tịch của công ty, Sergei Chemezov, một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, cũng đang phải chịu các lệnh cấm vận do phương Tây áp đặt giống như ngân hàng VEB.

Uganda và Zimbabwe không tham gia vào các lệnh cấm vận chống lại Nga, đồng thời cả 2 nước đều không có mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây.

Khi dự án khai thác platinum lần đầu tiên được nhắc đến vào tháng 9/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Zimbabwe, Sydney Sekeramayi cho biết, quốc gia ở phía Nam châu Phi này cũng hy vọng có thể tiến hành các vụ mua bán vũ khí với Nga.

Rostec cho biết, họ quan tâm tới việc hợp tác với các quốc gia châu Phi bởi muốn phát triển lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của mình. Nga đã từng là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho châu Phi trước khi Liên bang Xô viết sụp đổ, khiến Nga mất đi phần lớn thị phần tại thị trường này.

 Những chiếc máy bay T50 thế hệ thứ 5  mới nhất của Nga cũng nằm trong danh mục vũ khí xuất khẩu rất nhiều chủng loại của nước này

Hiện tại Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ, nhưng lượng sản phẩm bán cho các nước châu Phi chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong tổng doanh thu.

Rostec cho biết: “Rất nhiều quốc gia tại châu Phi là các đối tác truyền thống đối với lĩnh vực công nghệ quân sự và quốc phòng của Nga, họ đã rất quen thuộc với chất lượng của vũ khí Nga”.

Trong giai đoạn 2013 - 2104, Rosoboronexport đã ký hơn 20 hợp đồng trị giá hơn 1,7 tỷ USD với các quốc gia châu Phi ở  khu vực sa mạc Saharan, và Rostec có ý định sẽ tiếp tục tăng lượng vận chuyển cũng như các chuyến hàng tới châu Phi trong các năm tới.

Theo số liệu trên website của Rostec, Rosoboronexport mới chỉ cung cấp 2% lượng sản phẩm quân sự cho các quốc gia châu Phi. Đây là một thị trường rộng lớn và có nhiều tiềm năng mà Nga cần khai thác thêm.

Rosoboronexport hiện đã hợp tác với Angola, Nigeria, Mozambique, Namibia, Tanzania, Equatorial Guinea và đang tìm thêm cơ hội phát triển với Kenya, Rwanda, Djibouti và Ethiopia.

Giám đốc của Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) có trụ sở tại Moscow, Konstantin Makiyenko cho rằng, Rostec có mối quan tâm đặc biệt trong việc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí tới châu Phi là bởi thị trường vũ khí tại khu vực này đang phát triển rất nhanh.

“Các dự án dân sự chỉ nhằm hỗ trợ cho việc xuất khẩu vũ khí, đó là lý do Rostec quan tâm tới cả 2 lĩnh vực dân sự và quốc phòng, rõ ràng có mối liên kết hiển nhiên giữa các dự án dân dự và việc bán vũ khí”, Makiyenko cho biết.

Trong năm 2014, Nga xuất khẩu 15 tỷ USD vũ khí và số đơn đặt hàng tính tới cuối năm 2014 có giá trị khoảng 40 tỷ USD trong vòng 3 – 4 năm tới. Trong đó khách hàng lớn nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, khu vực Trung Đông và các nước châu Mỹ Latinh.

Tin bài liên quan