Nga trở thành thành viên mới nhất của ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng

Nga trở thành thành viên mới nhất của ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng

(ĐTCK) Nga vừa trở thành quốc gia mới nhất cho biết, có kế hoạch tham gia vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Hôm 28/3, tại Hội Nghị ở Hải Nam (Trung Quốc), Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga, ông Igor Shuvalov cho biết, Nga đang có kế hoạch tham gia vào AIIB, hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin.

Mới đây nhất, Australia và Hà Lan cũng cho biết họ sẽ trở thành 1 viên của ngân hàng này, trong khi Đan Mạch đã nộp đơn xin gia nhập.

Các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc cũng cho biết sẽ tham gia. Brazil, đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, hôm thứ Sáu (27/3) đã ký tên gia nhập vô điều kiện. Văn phòng Thủ tướng Brazil Dilma Rousseff cho biết: “Brazil rất mong muốn được trở thành thành viên sáng lập của AIIB”.

Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đưa ra thông báo, Anh và Thụy Sỹ đã sớm chấp nhận trở thành 1 trong các thành viên sáng lập của AIIB.

Như vậy, tính đến 30/3, đã có hơn 40 quốc gia nộp đơn xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập. Mỹ và đồng minh lớn duy nhất là Nhật Bản không có tên trong danh sách này.

AIIB được thành lập tháng 10/2014 tại Bắc Kinh, dưới sự bảo trợ của Chính phủ Trung Quốc. Dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm nay nhằm thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực vận tải, năng lượng, viễn thông và các cơ sở hạ tầng của châu Á. Trung Quốc đã ấp ủ ý tưởng thành lập một ngân hàng ở châu Á nhằm đối trọng với Ngân hàng thế giới (WB), cũng như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) - nơi Mỹ và các đồng minh là những nhà tài trợ lớn nhất.

Trung Quốc từng khẳng định, sẽ đóng 50% số vốn đầu tư vào ngân hàng này. Việc thành lập AIIB được đánh giá là có ý nghĩa to lớn về kinh tế cũng như địa - chính trị và là biểu tượng cho một xu hướng phát triển quan trọng của lịch sử.

AIIB xuất hiện không chỉ phản ánh xu hướng phát triển hướng tới khu vực châu Á của các trung tâm tài chính toàn cầu, mà còn cho thấy sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc, một dấu hiệu của sự tái thiết lập vị thế của mình trên thế giới.

Sự xuất hiện của AIIB sẽ trở thành thách thức đối với các thể chế tài chính hiện nay là Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB. Hơn nữa, nếu xu hướng các trung tâm kinh tế hiện nay dịch chuyển về phía Đông không thay đổi, có khả năng AIIB sẽ làm thay đổi hiện trạng, thậm chí thay thế các trung tâm tài chính của phương Tây.

Tin bài liên quan