Một ống dẫn trong đường ống "Sức mạnh Siberia"

Một ống dẫn trong đường ống "Sức mạnh Siberia"

Nga trì hoãn xây dựng đường ống cung cấp khí đốt cho Trung Quốc

(ĐTCK) Ba nguồn tin giấu tên có mối liên hệ trực tiếp tới Hãng xuất khẩu dầu khí Gazprom cho biết, Nga có thể trì hoãn việc hoàn tất dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ từ hai mỏ khai thác mới của Nga tới Trung Quốc.

Đường ống “Sức mạnh Siberia” có chiều dài dự kiến 4.000 km, vận chuyển được 61 tỷ m3/năm, sẽ nối liền các mỏ ở phía Đông Siberia với mạng khí đốt hiện hữu và cung cấp cho phía Trung Quốc. Chi phí xây dựng đường ống này và các cơ sở hạ tầng liên quan ước tính 55 tỷ USD.

Cách đây không lâu, Nga phủ nhận việc có các kế hoạch trì hoãn dự án “Sức mạnh Siberia”, cho dù giá dầu mỏ sụt giảm trầm trọng đã làm tổn hại tới việc đầu tư phát triển các mỏ khai thác mới cần thiết cho dự án.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ năng lượng Nga, Alexander Novak cho biết, Gazprom sẽ vẫn tiến hành kế hoạch nhằm xuất khẩu đơn hàng khí đốt đầu tiên qua đường ống “Sức mạnh Siberia” vào năm 2019. Gazprom đã công bố lộ trình và có 5 nhà cung cấp đường ống Nga đã trúng thầu cung cấp khoảng 1/3 số lượng ống dẫn cần thiết cho dự án.

Hãng Gazprom từ chối bình luận về thông tin này.

Thêm vào đó, các nguồn tin trên cho biết, dự án “Sức mạnh Siberia” có thể sẽ bị hoãn lại cho tới khi Moscow hoàn thiện dự án độc lập, ít tham vọng hơn là “Altai”.

Tháng 10/2014, Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thống nhất về dự án đường ống Altai, sẽ cung cấp 30 tỷ  m3 khí gas cho Trung Quốc trong vòng 30 năm. Nga hy vọng có thể ký vào hợp đồng cuối cùng trong khoảng đầu năm 2015 này.

Việc xây dựng đường ống Altai giúp Nga tiết kiệm được nhiều chi phí hơn so với dự án “Sức mạnh Siberia”, đồng thời cho phép tận dụng tối đa hệ thống ống dẫn khí hiện có. Tuy nhiên, dự án này có vẻ ít hấp dẫn hơn đối với phía Trung Quốc, bởi hiện nước này hiện đã có sẵn một đường ống về phía Tây, và cần nguồn cung cấp khí đốt cho vùng công nghiệp ở phía Đông.

Hiện tại, Bắc Kinh cho biết, vẫn quan tâm tới cả 2 dự án trên, bởi đường ống dẫn khí đốt sẽ giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào than đá, tuy nhiên, vẫn đánh giá cao đường ống “Sức mạnh Siberia” ở phía Đông hơn.

Tin bài liên quan