Dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 dự kiến đi vào hoạt động trước cuối năm 2019

Dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 dự kiến đi vào hoạt động trước cuối năm 2019

Nga sẵn sàng xây dựng “Dòng chảy phương Bắc 3”

Nga đã sẵn sàng cho việc xây dựng một dự án đường ống dẫn khí đốt nữa cung cấp cho thị trường châu Âu.

Gazprom, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất của Nga cho biết, Công ty có thể đáp ứng mọi nhu cầu của châu Âu về khí đốt. Công ty đã sẵn sàng xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Bắc 3”, nếu cần thiết.

“Chúng tôi có trữ lượng khí đốt lớn, chúng tôi có phương tiện vận chuyển và chúng tôi đang xây dựng các tuyến vận chuyển mới. Nếu châu Âu sẵn sàng…, tôi không loại trừ việc xây dựng các dự án vận chuyển khí đốt mới, như Dự án Nord Stream 3 chẳng hạn”, ông Aleksandr Medvedev, Phó chủ tịch Gazprom cho biết.

Groningen, mỏ khí đốt của Hà Lan và là mỏ khí đốt lớn nhất tại châu Âu, đang giảm sản lượng đáng kể, dẫn đến giảm sản lượng khí đốt khai thác của cả châu Âu.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, sản lượng khí đốt tại mỏ Groningen từ nay đến năm 2022 sẽ giảm 12 tỷ m3/năm và đến sẽ cạn kiệt vào năm 2030.

Trong bối cảnh đó, Gazprom cho biết, họ sẵn sàng bù đắp phần thiếu hụt đó bằng nguồn khí đốt từ Nga.

Xuất khẩu khí đốt của của Gazprom sang châu Âu đạt mức cao kỷ lục 194,4 tỷ m3 trong năm 2017, tăng tới 8,4%. Tỷ trọng của khí đốt Nga tại các nước Liên minh châu Âu (EU) trong năm qua tăng lên 34,7%, so với mức 33,1% năm 2016.

Gazprom đang vận hành đường dẫn khí đốt Nord Stream (dòng chảy phương Bắc) chạy dưới đáy biển để chuyển khí từ Nga sang Đức, qua biển Baltic. Đường ống này đi vào vận hành từ năm 2012. Trong khi đó, Dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 dự kiến đi vào hoạt động trước cuối năm 2019.

Nord Stream 2 là dự án liên doanh giữa Gazprom (Nga) với Engie (Pháp),  OMV AG (Áo), Royal Dutch Shell (Anh - Hà Lan), Uniper và Wintershall (Đức). Dự án này sẽ cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt/năm của Nga cho các nước EU.

Cả hai dự án trên đều đang đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ phía các nước quá cảnh và những nước nằm xa điểm cung cấp, như Ukraine và các nước Baltic.

Tin bài liên quan