Năm buồn của các công ty lớn trên thế giới

Năm buồn của các công ty lớn trên thế giới

2016 là một năm nhiều biến động với hàng loạt doanh nghiệp, từ Yahoo, Samsung đến Twitter và Deutsche Bank.

1. Yahoo

Yahoo bắt đầu năm 2016 bằng việc cắt giảm 15% nhân sự. Đại gia công nghệ này sau đó thừa nhận họ đã bị tới 2, chứ không phải một, vụ rò rỉ dữ liệu lớn, gây ảnh hưởng đến hàng tỷ người dùng.

"Cả huy chương vàng và bạc trong cuộc thi 'Những vụ đột nhập tồi tệ nhất lịch sử' đã được trao cho Yahoo", Hemu Nigam – một chuyên gia tư vấn bảo mật nhận xét trên CNN. Những vụ tấn công này cũng làm dấy lên mối nghi ngờ về triển vọng mua lại Yahoo của Verizon.

2. Samsung

2016 là một năm rối ren của gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc. Mọi chuyện bắt đầu với scandal Note 7 phát nổ, khiến công ty phải quyết định thu hồi hàng triệu điện thoại này trên toàn cầu. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi những chiếc Note 7 thay thế được khẳng định là an toàn lại tiếp tục phát nổ.

Cuối cùng, Samsung phải tuyên bố khai tử dòng Note 7. Chi phí cho việc này lên tới hàng tỷ USD, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng lên danh tiếng của công ty. Cùng thời điểm đó, họ cũng phải thu hồi hơn 3 triệu máy giặt, do nguy cơ phát nổ.

3. Wells Fargo

Wells Fargeo gây chấn động nước Mỹ vào tháng 9 khi sa thải 5.300 nhân viên, vì đã bí mật mở 2 triệu tài khoản giả để trục lợi. CEO John Stumpf sau đó đã bị điều trần tại Quốc hội và phải từ chức. Danh tiếng của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng trầm trọng khi một cựu nhân viên phanh phui môi trường làm việc quá áp lực tại đây.

Cổ phiếu Well Fargo giảm hơn 12% trong nhiều tuần scandal mở tài khoản giả. Tuy nhiên, mã này đã tăng mạnh sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

4. Deutsche Bank

nam-buon-cua-cac-cong-ty-lon-tren-the-gioi-1

Nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng 2008. Deutsche Bank là minh chứng điển hình. Trong bối cảnh lợi nhuận yếu và nhân sự bị cắt giảm liên tục, nhà băng này lại bị giới chức Mỹ đòi trả 14 tỷ USD để dàn xếp vụ điều tra về bán chứng khoán kém chất lượng trước khủng hoảng tài chính.

Việc này khiến nhà đầu tư lo ngại Deutsche Bank không đủ tiền trả khoản phạt lớn đến vậy. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó còn từng gọi Deutsche Bank là ngân hàng rủi ro nhất thế giới. Dù vậy, tuần trước, họ cho biết chỉ phải trả 7,2 tỷ USD cho giới chức Mỹ.

Cổ phiếu Deutsche Bank có lúc xuống đáy 20 năm hồi tháng 9. Tuy đến giờ, mã này đã phục hồi đáng kể, giá vẫn thấp hơn 20% so với đầu năm.

5. Theranos

Năm 2016 chứng kiến sự sụp đổ của Theranos, một trong những hãng khởi nghiêp nổi tiếng Thung lũng Silicon. Dấu hiệu xuống dốc bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi Wall Street Journal nghi ngờ công ty công nghệ sinh học này cam kết sai sự thật về phương pháp và thiết bị thử máu. CEO kiêm nhà sáng lập Theranos - Elizabeth Holmes khi ấy đã bác bỏ điều này.

Tuy nhiên, Theranos và Holmes sau đó đã bị các cơ quan chính phủ điều tra. Họ phải sửa chữa hàng nghìn kết quả xét nghiệm, bị chuỗi hiệu thuốc Walgreens chấm dứt hợp tác. Holmes bị cấm sở hữu hoặc điều hành bất cứ một phòng thí nghiệm nào trong vòng hai năm. Tháng 10, công ty này vừa tuyên bố cắt giảm hàng trăm nhân sự do các phòng thí nghiệm đã bị đóng cửa.

6. Twitter

Twitter khởi đầu năm 2016 với việc giá cổ phiếu sụt giảm kỷ lục và thừa nhận đang bị mất dần người dùng. Những hy vọng về việc công ty có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn này bằng việc được mua lại bởi một công ty lớn hơn cũng tan thành mây khói vào tháng 10.

Để đối phó với tình hình này, Twitter tuyên bố cắt giảm hàng trăm việc làm và xoá bỏ ứng dụng video - Vine. Mọi chuyện càng khó khăn vào những tháng cuối năm khi công ty mất hàng loạt lãnh đạo cấp cao.

Cổ phiếu Twitter từng tăng vọt khi được dự báo có công ty mua lại. Nhưng đến nay, mã này đã giảm 20% so với đầu năm.

7. Monte dei Paschi di Siena

Nhà băng lâu đời nhất thế giới với 544 năm - Monte dei Paschi (Italy) hồi tháng 7 đã được đánh giá là ngân hàng lớn yếu nhất châu Âu. Họ hiện phải gánh khoản nợ xấu lên tới 28 tỷ euro (29,3 tỷ USD).

Ban đầu, nhà băng muốn tự cứu mình, với kế hoạch huy động 5 tỷ euro từ các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, việc này đã thất bại, khiến Chính phủ Italy tuần trước phải quyết định can thiệp để giải cứu.

Tin bài liên quan