Sau KFC, nhiều thương hiệu từ châu Á và phương Tây đã "mọc lên" tại Yangon

Sau KFC, nhiều thương hiệu từ châu Á và phương Tây đã "mọc lên" tại Yangon

Myanmar tìm mọi cách chiều lòng giới đầu tư

(ĐTCK) Sự nổi lên gần đây của Myanmar như một điểm đến đầu tư tiềm năng đã thu hút không ít công ty và nhà đầu tư nước ngoài đặt chân tới quốc gia Đông Nam Á này.

Cửa hàng ăn nhanh đầu tiên KFC (Mỹ) được khai trương hồi năm 2015, kéo theo hàng loạt thương hiệu khác từ châu Á và phương Tây "mọc lên" tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Myanmar có thể tăng trưởng khoảng 7% tới năm 2019 và có lý do để duy trì sự lạc quan đối với Myanmar trong một vài năm tới.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, triển vọng kinh tế Myanmar không hoàn toàn chỉ có “màu hồng”. Những động lực tăng trưởng chủ chốt đang "nhạt" dần, đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu có xu hướng chậm lại. Bên cạnh đó, đồng nội tệ mất giá đang tạo ra sức ép tài chính đối với Chính phủ Myanmar.

Đã xuất hiện tiếng nói của các nhà hoạch định chính sách và giới điều hành doanh nghiệp cho rằng, Myanmar đang thiếu các chiến lược kinh tế đồng bộ và khuôn khổ quản lý, để đưa đất nước này tiến lên một nấc thang phát triển mới.

Hiện nay, có khoảng 77% dân số Myanmar chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản. Người dân nước này vẫn có xu hướng xa rời hệ thống tài chính và thích tích trữ tiền mặt hơn là gửi vào ngân hàng. Dân số Myanmar hiện trên 56 triệu người với thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.100 USD.

Lạc lối trong bài toán lớn

Giới chức Myanmar đã nhận ra những hạn chế chính sách của mình, khi quyết định thông qua một đạo luật, sẽ có hiệu lực kể từ tháng 4 tới, nhằm mở rộng hơn nữa môi trường kinh doanh và điều chỉnh các quy định quản lý để “chiều lòng” giới đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, các nhà kinh tế khuyến cáo, Myanmar cần hiện đại hóa hệ thống thuế, tự do hóa lĩnh vực tài chính và khơi thông các quy định kinh doanh.

Thiri Thant Mon, Giám đốc điều hành đồng sáng lập Công ty đầu tư Sandanila Partners (có trụ sở tại Yangon) cho rằng: “Chính phủ Myanmar dường như đang lạc lối trong cách giải quyết một bài toán kinh tế lớn hơn, khi thiếu sự đồng bộ giữa các chính sách”.

Thiri Thant Mon có 17 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài trước khi trở lại Myanmar giữa năm 2013, với hy vọng tìm kiếm những cơ hội phát triển mới ở đất nước này.

Phát biểu tại một hội nghị xúc tiến đầu tư tại Yangon, Đại sứ Anh tại Myanmar, Andrew Patrick cho rằng, các chính sách kinh tế của Myanmar vẫn chưa được vạch ra một cách rõ ràng. Do đó, nếu nhà đầu tư được biết cặn kẽ hơn những ranh giới mà mình có thể tham gia thì sẽ dễ dàng hơn cho hoạt động kinh doanh tại đây.

Thách thức hậu cần

Tại Myanmar đã ghi nhận một số thương vụ M&A đáng chú ý trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như Colgate-Palmolive Co. mua lại công ty sản xuất kem đánh răng tại Myanamr với giá 60 triệu USD hồi năm 2014, Kirin Holdings Co. của Nhật Bản giành 55% cổ phần của nhà sản xuất bia lớn nhất nước này là Myanmar Brewery Ltd, với giá 560 triệu USD một năm sau đó.

Giới quan sát cũng nhìn nhận, có nhiều cơ hội khác trong lĩnh vực giáo dục, bán lẻ, du lịch, chế tạo hay viễn thông tại quốc gia có 1/4 dân số sống dưới chuẩn nghèo này. 

Đầu năm nay, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) của Việt Nam đã nhận được giấy phép đầu tư 2 tỷ USD cho các dự án viễn thông tại Myanmar.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là năng lực hậu cần của Myanmar còn hạn chế. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Myanmar sẽ cần tới 120 tỷ USD tới năm 2030 để nâng cấp hệ thống đường sá, cầu cống và sân bay của mình.

“Lĩnh vực hậu cần tại Myanmar giống như một cơn ác mộng và nó đang tác động tới mọi mặt của đời sống kinh doanh”, Peter Beynon, Chủ tịch Tập đoàn tài chính Jardine Matheson phụ trách khu vực Myanmar và Campuchia nhận xét.

Do đó, Chính phủ Myanmar còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là hoàn thiện khuôn khổ chính sách giống như những gì giới đầu tư nước ngoài mong muốn để có thể thu hút các khoản đầu tư dài hạn và bền vững hơn.

Tin bài liên quan