Ảnh Internet

Ảnh Internet

Myanmar “miền đất hứa” của nhà đầu tư Nhật Bản

(ĐTCK) Nhật Bản đã và đang tăng cường sức hấp dẫn, cũng như làn sóng đầu tư của mình vào Myanmar, nhằm trở thành đối trọng lớn nhất của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong bối cảnh Myanmar đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp chính trị rất quan trọng, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản tại nước này đã tăng gấp 6 lần chỉ trong vài năm qua, các khóa học tiếng Nhật cũng bùng nổ và hàng tỷ USD đã được Tokyo đổ vào các ngành công nghiệp và dự án xã hội của Myanmar.

Làn sóng đầu tư này là một phần trong kế hoạch rộng hơn của Nhật Bản nhằm gia tăng ảnh hưởng tại các thị trường mới và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thông qua việc gây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia đang nổi như Myanmar và Việt Nam. 

Nhật Bản là một trong số những cường quốc trên thế giới để mắt tới vị thế tăng trưởng kinh tế đang lên của Myanmar, nơi vừa trải qua quá trình chuyển giao chính phủ quân sự sang dân sự lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ qua. 

Bản thân Myanmar cũng phát đi những tín hiệu cho thấy, họ muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đáng chú ý nhất là việc đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone mà Bắc Kinh hậu thuẫn hồi năm 2011. Trong khi đó, Nhật Bản lại luôn giữ mối quan hệ thương mại và dấu ấn văn hóa tốt đẹp tại Myanmar, đồng thời chưa từng áp đặt các biện pháp trừng phạt nước này như những gì phương Tây đã từng thực hiện trong giai đoạn 1990-2000.

Hiện Chính phủ và các tập đoàn tài chính Nhật Bản như Mitsubishi, Marubeni và Sumitomo đang thúc đẩy sự phát triển của khu công nghiệp khổng lồ Thilawa phía Đông Nam Yangon, nơi có hàng chục nhà máy đã hoàn tất, hoặc đang trong quá trình xây dựng.

Kyaw Naing, một kỹ sư 34 tuổi, cho biết: “Doanh nghiệp Nhật đang tăng trưởng rất nhanh tại đây trong hơn 2 năm qua. Nhật Bản có thể đem tới cho Myanmar nhiều điều lớn lao hơn nữa”.

Ước tính, các khoản vay chính thức của Tokyo dành cho Naypyidaw đã tăng gấp đôi, lên mức 98,3 tỷ Yên (khoảng 951 triệu USD) trong năm 2014 so với năm trước đó, đồng thời số nợ mà Nhật Bản đã xóa cho Myanmar cũng lên tới 300 tỷ Yên chỉ riêng năm 2013.

Sự hiện diện của các công ty Nhật tại Myanmar có thể còn tăng cao hơn nữa, nếu Naypyidaw có thể giải quyết những lo ngại từ sự thiếu hụt điện năng, hay những hạn chế về sở hữu nước ngoài. Một số doanh nghiệp quốc doanh Myanmar cũng bắt đầu liên doanh với các công ty Nhật, trong đó có nhà sản xuất rượu bia Kirin và công ty viễn thông KDDI.

Daiwa Securities, một công ty môi giới và tư vấn chứng khoán lớn của Nhật Bản, đồng thời là đối tác giữ vai trò trung tâm trong kế hoạch xây dựng thị trường chứng khoán Yangon, đã lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội đang nổi lên từ sự thay đổi môi trường kinh doanh trong nước của Myanmar.

“Chúng tôi muốn nhiều công ty hơn nữa cân nhắc việc niêm yết trên sàn chứng khoán Yangon. Chúng tôi cũng muốn có thêm nhiều người tham gia vào các hoạt động giao dịch chứng khoán”, Atsuo Tachikawa, trưởng bộ phận hoạch định kinh doanh quốc tế của Daiwa cho biết.

Các khóa học tiếng Nhật cũng nở rộ khi giới trẻ Myanmar mong muốn tìm kiếm được những công việc hấp dẫn tại những công ty Nhật đang đổ vào nước này. Số học viện dạy tiếng Nhật đã tăng lên 200, so với mức 44 của năm trước. Một sinh viên Myanmar cho biết, mình quyết định học tiếng Nhật thay vì tiếng Trung vì chất lượng công việc mà các công ty Nhật Bản đem lại dường như tốt hơn nhiều so với các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, Nhật Bản cũng phải đối mặt với một số chỉ trích khi thúc đẩy các kế hoạch phát triển tại Myanmar mà không có sự tham vấn thỏa đáng tại các cộng đồng bị tác động. Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Myanmar (JETRO) khẳng định, Nhật Bản sẽ phải dàn xếp ổn thỏa những quan ngại của người dân địa phương, trong đó có những tranh chấp chưa được giải quyết liên quan tới khu vực đặt Khu công nghiệp Thilawa.

Tin bài liên quan