Cựu Tổng thống Mỹ Obama đã ký thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2014 có nội dung đồng ý gỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ lên quốc gia thành viên OPEC này, đổi lại Iran sẽ ngừng theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân.
Mới đây, ngày 8/5, Tổng thống Trump tuyên bố đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay” và đưa ra quyết định rút ra khỏi hiệp định. Đồng thời cho biết sẽ áp dụng các chính sách cấm vận “mạnh tay” đối với Iran.
Nhờ có thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, Iran đã nâng sản lượng dầu đầu ra từ 2,7 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày; đồng thời, sản lượng dầu xuất khẩu tăng từ 1,1 triệu thùng/ngày trong suốt giai đoạn trước khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ lên 2,2 triệu thùng/ngày. Lượng dầu này là nguồn cung quan trọng cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, giúp Iran trở thành quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba trong OPEC.
Sau thông tin về việc Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran, giá dầu thô Brent lần đầu tiên trong gần 4 năm giao dịch ở mức 70 USD/thùng.
Dan Eberhart, CEO công ty dịch vụ dầu mỏ Canary LLC đánh giá: “Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ tạo lực đẩy đưa giá dầu lên mức cao hơn nhưng không ai biết chính xác là cao tới mức nào. Bởi điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm khối lượng dầu của Iran bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận, liệu các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn khác như Ả Rập Xê út, Mỹ có thể lấp đầy khoảng trống”.
Trong khi đó, William Featherstone, chiến lược gia tại Credit Suisse nhận định, với ảnh hưởng từ việc thỏa thuận hạt nhân bị phá vỡ, Iran có thể giảm sản lượng đầu ra khoảng 200.000 thùng/ngày trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ngay cả khi sản lượng dầu của Iran quay trở về thời điểm trước thỏa thuận, giá dầu cũng sẽ không giữ được đà tăng.
Nguyên nhân chính xuất phát từ việc, thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn đang trong tình trạng dư cung, dù OPEC đã nỗ lực để cắt giảm sản lượng nhằm cân bằng cung – cầu trong 2 năm qua. Hiện tại, lượng dầu trong các kho chứa trên toàn cầu đã giảm từ mức cao hơn 325 triệu thùng so với trung bình 5 năm, xuống còn chỉ hơn 30 triệu thùng so với trung bình 5 năm, gần đạt mức mục tiêu mà OPEC đề ra là lượng dầu dự trữ vừa bằng mức trung bình 5 năm.
Chưa kể, các quốc gia sản xuất dầu mỏ thuộc OPEC cùng đồng minh đang tự kìm hãm mình trong việc khai thác hết khả năng. Hiện tại, ước tính Ả Rập Xê út còn lượng giếng dầu tạm ngừng khai thác có thể cung cấp 1,7 triệu thùng/ngày. Trong khi Kuwai có khả năng cung cấp thêm ra thị trường khoảng 300.000 thùng/ngày bất kỳ lúc nào.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump không cần phải lo lắng bởi nước Mỹ hoàn toàn có thể thay thế lượng dầu Iran đang cung cấp bằng sản phẩm nội địa. Các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ đang trên đường hướng tới mức kỷ lục 11 triệu thùng/ngày trong 1 năm tới. Hiện tại, sản lượng xuất khẩu của Mỹ đã đạt 2,3 triệu thùng/ngày. Rystad, công ty tư vấn thị trường dầu và khí đốt nhận định, sản lượng dầu của Mỹ có khả năng đạt trên 18 triệu thùng/ngày trong thập kỷ tới.
Một vấn đề đáng chú ý là hiện tại, Iran đang là nhà cung cấp dầu thô cho đa số khách hàng lớn tại châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Trong số đó, Trung Quốc đang là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Iran, với lượng dầu nhập khẩu khoảng 900.000 thùng/ngày vào khoảng giữa năm 2016 và 600.000 thùng/ngày vào năm 2018.
Theo các chuyên gia kinh tế, phản ứng của Trung Quốc trước động thái của Mỹ là chưa rõ ràng và không loại trừ khả năng, các doanh nghiệp Đại lục vẫn tiếp tục mua dầu thô từ Iran.
Tương tự, khách hàng lớn khác của Iran là Ấn Độ vẫn có thể duy trì mối quan hệ thương mại trong thời gian tới. Thậm chí, trong giai đoạn trước khi Iran được gỡ bỏ lệnh cấm vận, Ấn Độ đã “tận hưởng” quyền lợi nhập khẩu dầu của Iran và trả bằng đồng rupee, thay vì USD.