“Mốt” đầu tư cổ phiếu hàng không Trung Quốc

“Mốt” đầu tư cổ phiếu hàng không Trung Quốc

(ĐTCK) Cổ phiếu hàng không đang là “món hàng thời trang” được giới đầu tư Trung Quốc ưa chuộng và xu hướng này nhiều khả năng sẽ kéo dài trong thời gian tới.

Thương lượng lại hợp đồng cho thuê bán lẻ

Vốn được hưởng lợi từ nhu cầu đi lại quốc tế và nội địa gia tăng, các công ty hàng không đang niêm yết của Trung Quốc lại nhận thêm 2 cú huých lớn trong năm nay khi được phép thu tiền hoa hồng gấp đôi đối với các nhãn hàng tại quầy hãng miễn thuế ở sân bay và lần đầu tiên mức phí hàng không được nâng lên trong thập kỷ qua.

Các thông tin tích cực này ngay lập tức đã được phản ánh lên giá của các cổ phiếu hàng không. Beijing Capital International Airport Co chứng kiến cổ phiếu của mình tăng giá 54% trong năm nay, trong khi cổ phiếu của Shanghai International Airport Co và Guangzhou Baiyun International Co đều tăng ít nhất 35%.

Mặc dù vậy, các cổ phiếu này vẫn đang giao dịch dưới giá trị khi thị trường đánh giá thấp tác động của việc nâng mức phí đối với các nhãn hàng tại sân bay, Nick Langley, Giám đốc đầu tư RARE Infrastructure cho biết.

Trong năm 2017, giới chức Trung Quốc đã cho phép các công ty sân bay tiến hành thỏa thuận lại đối với các nhà tổ chức bán hàng tại các cảng hàng không. Cụ thể, dưới thỏa thuận mới được ký kết vào tháng 6/2017, các doanh nghiệp bán hàng tại sân bay Bắc Kinh sẽ phải chia sẻ gần một nửa doanh số bán hàng với công ty điều hành sân bay, so với mức khoảng 20% trước đây.

Tiến trình tương tự cũng đang được thực hiện tại sân bay Quảng Châu và bắt đầu thương lượng lại vào năm 2019 với Sân bay Thượng Hải.

“Tác động của việc này lên lợi nhuận sẽ tích cực hơn nhiều so với những gì thị trường đang nhìn nhận. Giới đầu tư sẽ sớm nhận thấy bước tiến lớn trong doanh thu của các công ty điều hành sân bay”, James Teo, chiến lược gia tại BNP Parisbas SA cho biết.

Nâng phí hoạt động tại sân bay

Trong khi Bắc Kinh, nơi có diện tích cho thuê bán lẻ tại sân bay lớn nhất Trung Quốc, là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ các hợp đồng ở khu vực miễn thuế, Shenzhen Airport Co (Thẩm Quyến) cũng là kẻ chiến thắng nhờ việc gia tăng mức phí đối với các hoạt động hàng không nội địa.

Cổ phiếu của Shenzhen Airport đã tăng 23% trong 7 tháng đầu năm và hiện là cổ phiếu hàng không được ưa chuộng chỉ đứng sau các doanh nghiệp cùng ngành tại Bắc Kinh.

John Lin, nhà quản lý danh mục đầu tư tại AllianceBernstein Holdings LP cho rằng, mức phí cất cánh và hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa sẽ tiếp tục được nâng lên trong vài năm tới. Điểm khác biệt đối với việc đánh thuế chuyến bay nội địa và quốc tế đó là Trung Quốc là thị trường khổng lồ với doanh thu lớn hơn rất nhiều nơi trên thế giới.

Bùng nổ du lịch

Không chỉ hưởng lợi từ yếu tố chính sách, các công ty hàng không Trung Quốc còn được hưởng lợi nhờ nhu cầu đi lại ngày càng bùng nổ. Hơn 5 triệu hành khách đã đi qua Sân bay quốc tế Pudong do Shanghai International Airport quản lý, kể từ ngày 1/7 cho tới ngày 15/8, ghi dấu mức kỷ lục mới trong lịch sử và cao hơn 2% so với cùng thời gian năm ngoái.

Trong bối cảnh thu nhập của người dân gia tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, thị trường du lịch Trung Quốc có quy mô khoảng 9% GDP năm 2016 và được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình  8%/năm trong thập kỷ tới, theo số liệu từ Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC).

Tin bài liên quan