Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của các ngân hàng lớn tại Trung Quốc tụt dốc là vì các ngân hàng như Industrial & Commercial Bank of China Lts và Bank of China Ltd buộc phải trích lập dự phòng quá nhiều cho các khoản nợ xấu, khiến lợi nhuận bị ăn mòn.
Theo báo cáo lợi nhuận của 5 ngân hàng hàng đầu Trung Quốc, lợi nhuận của các nhà băng này tăng từ 0,14% tới 1% trong năm 2015 so với năm trước đó, mức tăng ít nhất kể từ năm 2004 và giảm mạnh so với mức gần 20% vào năm 2010.
Với việc các nhà băng lớn đồng loạt công bố lợi nhuận “thê thảm”, câu hỏi lớn hiện tại là: Liệu Chính phủ Trung Quốc có tiến hành giải cứu sớm bằng cách giảm tỷ lệ dự phòng bắt buộc đối với các khoản nợ xấu, hiện đang được quy định ở mức 150% khoản nợ không thanh toán được (NPL – Nonperforming loans)?
“Một số nhà băng lớn đang phải loay hoay trong việc có nên trích lập dự phòng ở mức 150% bắt buộc hay công bố một mức lợi nhuận tốt hơn. Đối với quý đầu tiên của năm, họ có thể điều chỉnh linh hoạt một chút bằng cách giảm chi phí chỗ này chỗ kia và đạt được kết quả là lợi nhuận không tăng trưởng nhưng duy trì được trích lập dự phòng đúng quy định. Tuy nhiên, không ngân hàng nào đủ sức để chống cự trong suốt cả năm”, Richard Cao, chiến lược gia tại Guotai Junan Securities Co cho biết.
Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và nợ xấu tăng nhanh đang bào mòn lợi nhuận của các nhà băng Trung Quốc, đồng thời khiến cổ tức của các cổ đôgn ngân hàng bị tổn hại. Lợi nhuận gộp của Top 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc có thể giảm 3% trong năm 2016, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2004, theo khảo sát các chuyên gia của Bloomberg.
Theo một nguồn tin giấu tên, chính quyền Trung Quốc đang bàn bạc về vấn đề giảm tỷ lệ trích lập dự phòng và Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc sẽ đưa ra quyết định về thời và mức độ giảm. Theo đó, một số ngân hàng lớn có thể được giảm xuống mức 120% trong năm 2016.