Tâm lý lo ngại sức khỏe kinh tế toàn cầu khiến nhà đầu tư tìm đến các kênh ít rủi ro hơn kênh chứng khoán (Ảnh minh họa: AFP)

Tâm lý lo ngại sức khỏe kinh tế toàn cầu khiến nhà đầu tư tìm đến các kênh ít rủi ro hơn kênh chứng khoán (Ảnh minh họa: AFP)

Lo ngại rủi ro, giới đầu tư rút tiền khỏi chứng khoán chuyển sang vàng

(ĐTCK) Tâm lý lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau báo cáo công bố hôm thứ Tư của Ngân hàng Thế giới (WB) khiến giới đầu tư rút tiền khỏi chứng khoán để chuyển sang các kênh ít rủi ro hơn. Chứng khoán giảm điểm còn do giá dầu thô đảo chiều sau 3 phiên tăng liên tiếp.

Sau 3 ngày tăng liên tiếp, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều giảm nhẹ trong phiên thứ Năm do giá dầu thô giảm và giới đầu tư lo ngại về tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, nên chuyển dòng tiền vào các tài sản ít rủi ro hơn như vàng, trái phiếu chính phủ.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Dow Jones giảm 19,86 điểm (-0,11%), xuống 17.985,19 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,64 điểm (-0,17%), xuống 2.115,48 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16,03 điểm (-0,32%), xuống 4.958,62 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên giảm thứ 2 liên tiếp, với biên độ giảm mạnh hơn phiên trước do chịu tác động tiêu cực từ nhóm cổ phiếu năng lượng và nguyên vật liệu khi giá dầu thô và kim loại giảm do áp lực của đồng USD tăng. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm của một số cổ phiếu xuất phát từ thông tin lợi nhuận doanh nghiệp không khả quan.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 69,63 điểm (-1,10%), xuống 6.231,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 128,16 điểm (-1,25%), xuống 10.088,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 43,12 điểm (-0,97%), xuống 4.405,61 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc nghỉ lễ, thì chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm khá mạnh trong ngày thứ Năm khi giới đầu tư thận trọng trước thời điểm chọn rổ cổ phiếu mới của Nikkei 225.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 162,51 điểm (-0,97%), xuống 16.668,41  điểm. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày lễ.

Tâm lý lo ngại về kinh tế toàn cầu khiến vàng trở thành kênh đầu tư được ưa thích của nhiều nhà đầu tư muốn trú ẩn rủi ro. Tâm lý này giúp giá vàng tiếp tục có phiên tăng mạnh, lên mức cao nhất 3 tuần trong phiên thứ Năm, bất chấp đồng USD hồi phục trở lại sau 4 phiên giảm.

Kết thúc phiên 9/6, giá vàng giao ngay tăng 7 USD (+0,55%), lên 1.269,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 10,4 USD (+0,82%), lên 1.272,7 USD/ounce

Sau 3 phiên liên tiếp và liên tục thiết lập các mức cao mới trong năm, giá dầu thô đã bị chốt lời, đảo chiều giảm trong phiên thứ Năm khi đồng USD hồi phục.

Kết thúc phiên 9/6, giá dầu thô Mỹ giảmg 0,67 USD (-1,33%), xuống 50,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,56 USD (-1,08%), xuống 51,95 USD/thùng.

Tin bài liên quan