Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Lo Fed tăng lãi suất, giới đầu tư phố Wall thi nhau thoát thân

(ĐTCK) Tỷ lệ số người dự đoán Fed tăng lãi suất cuối năm nay tăng cao đã khiến giới đầu tư phố Wall bán tháo trong phiên thứ Ba, trả lại hết những gì đã có được trong phiên trước đó. Trong khi giá dầu thô đang hạ nhiệt khi sức ép dự trữ dầu toàn cầu gia tăng đang đè nặng.

Sau phiên tăng điểm ấn tượng đầu tuần với thông tin Warren Buffett bỏ ra 1 tỷ USD để mua vào cổ phiếu Apple, phố Wall đã quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Ba, trả lại hết những gì đã có trong phiên đầu tuần.

Phố Wall giảm trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư tăng tỷ lệ dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay khi các dữ liệu kinh tế Mỹ, nhất là lạm phát và thị trường lao động đang ủng hộ cho việc này.

Cụ thể, 58% nhà đầu tư được khảo sát dự báo Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11, tăng hơn so với con số 42% trong đầu tuần.

Kết thúc phiên 17/5, chỉ số Dow Jones giảm 180,73 điểm (-1,02%), xuống 17.529,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,45 điểm (-0,94%), xuống 2.047,21 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 59,73 điểm (-1,25%), xuống 4.715,73 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên trái chiều trong phiên thứ Ba khi chịu tác động từ các thông tin trái ngược nhau. Một số công ty mới công bố kết quả kinh doanh khả quan như Taylor Wimpey và Vodafone, nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động lại yếu kém.

Kết thúc phiên 17/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 16,37 điểm (+0,27%), lên 6.167,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 62,71 (-0,63%), xuống 9.890,19 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 14,71 điểm (-0,34%), xuống 4.297,57 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh khi giá dầu thô tăng, đồng yên giảm kích thích nhu cầu đầu tư chứng khoán gia tăng. Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục trở lại mạnh trong phiên thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô lên mức cao nhất 6 tháng. Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn giảm điểm khi giới đầu tư lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Kết thúc phiên 17/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 186,4 (+1,13%), lên 16.652,8 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 234,85 (+1,18%), lên 20.118,8 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 7,18 điểm (-0,25%), xuống 2.843,68 điểm.

Trái ngược với phiên trước đó, giá vàng trong phiên châu Á giảm do tác động từ sự khởi sắc của thị trường chứng khoán khi giá dầu thô tăng cao. Tuy nhiên, sáng phiên Mỹ, khi lực bán tháo xảy ra trên phố Wall, giá vàng đã dần hồi phục trở lại và đóng cửa tiếp tục tăng giá nhẹ.

Kết thúc phiên 17/5, giá vàng giao ngay tăng 4,8 USD (+0,38%), lên 1.278,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,6 USD (+0,20%), lên 1.276,9 USD/ounce.

Trong phiên thứ Ba, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng lên mức gần cao nhất năm 2016 khi thông tin gián đoạn nguồn cung đang hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, có những thời điểm, đà tăng của giá nhiên liệu này bị đe dọa, thậm chí đã quay đầu giảm trở lại khi giới phân tích cảnh bảo dự trữ dầu thô thế giới vẫn đang tăng cao.

Kết thúc phiên 17/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,59 USD (+1,22%), lên 48,31 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,31 USD (+0,63%), lên 49,28 USD/thùng.

Tin bài liên quan