Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Hy Lạp Tsipras

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Hy Lạp Tsipras

Liệu Putin có dang tay giúp đỡ Hy Lạp?

(ĐTCK) Hôm nay (8/4), Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras sẽ có chuyến thăm chính thức Nga. Giới quan sát, các quan chức cũng như lãnh đạo các nước châu Âu có lẽ đang suy đoán xem liệu ông Putin và Tsipras có thể đi đến một thỏa thuận về kinh tế nào hay không?

Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo 2 nước Hy Lạp và Nga đã được thông báo cách đây gần 1 tháng, khi mà Hy Lạp đang vật lộn với các khoản nợ đến hạn và các cuộc đàm phán cứu trợ với Liên minh châu Âu (EU). Cùng lúc đó, Nga đang gánh chịu những tổn thất nặng nề về kinh tế bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây và việc giá dầu suy giảm mạnh.

Giữa lúc này, một gói vay tài chính từ Kremlin có thể giúp Athens có thêm chút thời gian để xoay sở với các chủ nợ, còn Nga sẽ có thêm chút ảnh hưởng đối với các nhà hoạch định chính sách châu Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, cả 2 bên lúc này đều quan tâm tới vấn đề của chính mình hơn là cố sắp xếp 1 thỏa thuận chỉ mang tính ngoại giao.

Thắng lợi nhỏ nhoi

Vasily Koltashov, Giám đốc Viện nghiên cứu Toàn cầu hóa và các chuyển động xã hội, cho rằng: “Moscow có thể cho Hy Lạp vay tiền, nhưng điều này không thể giải quyết được vấn đề của Athens và cả của Moscow”.

Cũng theo Vasily, chính quyền Nga có thể một phần nào đó gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ châu Âu đối với Hy Lạp trong năm nay, đặc biệt là đối với dâu tây và đào, nhằm phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu được, đây cũng được coi là một kết quả tốt đẹp cho chuyến đi của ông Tsipras.

Trước đó, trả lời phỏng vấn hãng tin TASS, ông Tsipras một lần nữa khẳng định quan điểm không đồng ý với các lệnh cấm vận mà châu Âu áp đặt lên Nga do cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cũng như kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Moscow và Athens.

Ông Tsipras cho rằng: “Tôi thực sự nghĩ rằng Hy Lạp, một thành viên của EU, có thể là đầu nối, là cây cầu giữa phương Tây và Nga”.

Từ trước tới nay, chưa từng có tiền lệ về một thỏa thuận “đặc biệt” giữa Hy Lạp và Nga. Lần gần đây nhất đại diện 2 nước gặp gỡ là khi Hy Lạp tới thăm Nga dưới sức ép của các chủ nợ châu Âu, và chính quyền Athens đã đi về trắng tay.

Xa hơn một chút, vào tháng 3/2013, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp, Michalis Sarris đã bay tới Nga với nỗ lực đạt được một gói cứu trợ từ Moscow, nhằm giúp nước này có thêm lợi thế để đàm phán với Bộ ba chủ nợ: Uỷ ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Qũy tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, Michalis đã không thể làm được điều này. Chính quyền Moscow sau đó cũng miễn cưỡng tạm ngừng việc tái cơ cấu các khoản nợ của ngân hàng Hy Lạp.

Moscow có một lựa chọn trong cuộc hội đàm với Hy lạp đó là việc xóa bỏ lệnh cấm vận lên hàng hóa và trợ cấp 1 phần cho giá hàng hóa từ Hy Lạp. Nền kinh tế Hy Lạp đã chịu tổn thất lớn bởi lệnh cấm này. Trước đó, Hy Lạp cung cấp khoảng 40% lượng dâu tây nhập khẩu của Nga và 25% lượng đào, theo số liệu trên website FruitNews.

Ông Tsipras trong cuộc phỏng vấn với TASS tuần trước cũng đã kêu gọi việc liên kết chặt chẽ hơn với Nga trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước đó, Chính phủ Nga có vẻ như cũng đã xem xét tới ý định gỡ bỏ lệnh cấm vận này. Người phát ngôn của Cơ quan an toàn thực phẩm Nga, Rosselkhoznadozr, hôm thứ Hai (6/4) cũng cho biết, cơ quan này đang chuẩn bị cho việc kiểm tra các hàng hóa từ Hy Lạp kể từ 20/4 tới nếu cần thiết, để chuẩn bị cho việc nối lại hoạt động nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp từ Athens.

Thắt chặt quan hệ

Giám đốc của Qũy Hellenic dành cho châu Âu và chính sách đối ngoại có trụ sở tại Athens, Thanos Dokos cho biết, mục đích chuyến đi của ông Tsipras là nhằm làm hài lòng dư luận trong nước cũng như nâng cao vị thế của mình với EU.

Trong những năm gần đây, các công ty của Nga đã thể hiện sự quan tâm tới một vài lĩnh vực quan trọng của Hy Lạp, và ông Tsipras cũng cho rằng năng lượng và du lịch là 2 lĩnh vực có tiềm năng kinh tế rất lớn nếu 2 nước hợp tác.

Hãng dầu khí nhà nước Gazprom của Nga là một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Hy Lạp. Trong năm ngoái, tập đoàn độc quyền đường sắt nhà nước Russian Railways cũng thông báo kế hoạch mua lại một cố cổ phần tại cảng Thessaloniki của Hy Lạp.

Bất kỳ một vụ đầu tư mới nào của Nga vào Hy Lạp cũng làm dấy lên các mối lo ngạo cho EU. Trước đó, EU và Mỹ đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt tới việc các công ty của Nga được trao quyền điều hành một số cơ sở hạ tầng tại Hy Lạp. Việc Hy Lạp đổi hướng, thân thiết với Nga có thể trở thành mối lo mới cho EU, bên cạnh cuộc khủng hoảng hiện tại ở Athens lúc này.

Tin bài liên quan