Camry 2018 được sản xuất tại nhà máy của Toyota tại bang Kentucky.

Camry 2018 được sản xuất tại nhà máy của Toyota tại bang Kentucky.

Lãnh đạo Toyota dọa đóng cửa nhà máy ở Mỹ

Chủ tịch nhà máy Toyota ở Kentucky tuyên bố phải "giảm chi phí hoặc đối diện với tương lai bất ổn".

"Tôi không chia sẻ điều này để dọa các bạn, nhưng để đề cao nhận thức của các bạn về nguy cơ mà chúng ta đang phải đối mặt", Wil James, người nắm quyền quản lý nhà máy Toyota Kentucky từ hơn 7 năm nay, nói trong video dài hơn hai phút lưu hành nội bộ ghi hình ngay trong tháng 11, theo Bloomberg. Video không được hãng tin này công bố.

Cũng theo vị chủ tịch của Nhà máy Toyota Kentucky (TMMK), Toyota không có kế hoạch đóng cửa nhà máy và còn đầu tư vào đây trong vòng 30 năm tới. "Nhưng tất cả điều đó chỉ xảy ra nếu chúng ta đạt được tiến bộ hết mức trong việc giảm chi phí và tăng hiệu quả như chúng ta làm được với chất lượng và độ an toàn".

Nhà máy Toyota ở Kentucky là nơi đang sản xuất mẫu sedan bán chạy hàng đầu của hãng: Camry.

Nhưng Toyota hoàn toàn có thể sản xuất Camry ở Nhật và đưa sang Mỹ, đồng thời bán được giá cao hơn so với xe sản xuất tại Kentucky.

Video nội bộ là minh chứng cho thách thức đưa ra từ Chủ tịch Toyota Akio Toyoda về việc giảm chi phí sản xuất - yếu tố tác động xấu tới nguồn kinh phí nghiên cứu và phát triển.

Trong khi Toyota đang đầu tư mạnh tay vào điện khí hóa và trí tuệ nhân tạo - những công nghệ có tiềm năng lớn đối với ngành công nghiệp ôtô - thì hãng lại chịu áp lực lớn từ hệ thống sản xuất vốn được ca ngợi nhưng đang phải tìm cách để tiết kiệm hơn.

Thông điệp gửi tới từ James cũng cho thấy mong muốn của Toyota gộp các hoạt động của hãng tại Mỹ vào nỗ lực giảm chi phí chung trong thời điểm nhạy cảm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn gây áp lực với Toyota và các hãng xe Nhật về việc sản xuất nhiều xe hơn nữa tại Mỹ.

Hồi đầu năm, Chủ tịch Toyoda lập ra một "lực lượng đặc biệt" gồm bốn phó chủ tịch và buộc phải đảm bảo rằng bất cứ khoản chi mới nào được thực hiện đều được lấy từ khoản cắt giảm từ những chương trình khác. 

Nằm trên diện tích tương đương 169 sân bóng bầu dục, nhà máy của Toyota ở Georgetown (bang Kentucky) là nhà máy lớn nhất của Toyota trên toàn thế giới và lớn thứ hai tại Bắc Mỹ so với các hãng khác.

Việc đầu tư theo nền tảng Toyota toàn cầu TNGA (Toyota New Global Architecture) tạo ra hệ thống sản xuất linh hoạt được áp dụng cho gần như bất cứ mẫu xe nào, từ các mẫu Prius hybrid cho đến dòng SUV Highlander.

Nhà máy Tsutsumi của Toyota tại Nhật, nơi cho ra đời nhiều sản phẩm trong đó có Camry, là nhà máy đầu tiên áp dụng nền tảng TNGA, vì thế cũng là nơi có chi phí sản xuất thấp hơn so với ở Georgetown, đại diện hãng, Rick Hesterberg, cho biết.

"Nếu bạn có thể kiếm được lợi nhuận nhiều hơn từ một chiếc Camry ở Tsutsumi so với một xe xuất xưởng từ Kentucky, thì bạn sẽ chọn nơi nào để sản xuất?", James đặt câu hỏi trong thông điệp gửi đi qua video nội bộ.

Tin bài liên quan